Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Nằm ngửa làm thơ



Hiểu thêm về: Phạm Minh Giắng
Trong "góc cô đơn", như thơ ông viết, ông nằm ngửa, dán cái thân hình chưa tới 30kg xuống giường.

60 tuổi, thì hơn 40 năm nay, ông chỉ nằm với tư thế đó, đôi chân đã "chết" khiến ông không thể ngồi dậy.
Tay phải cầm bàn phím trên không, những ngón tay trái thanh mảnh nhọc nhằn rờ từng phím chữ. Lách cách... Những câu thơ run rẩy hiện lên màn hình...
 Ít ai ngờ, "thi sĩ nằm" này đã "sinh hạ" được hai tập thơ... Không biết ông có biết, ở Thái Bình cũng có một nhà thơ có tên tuổi, nhưng tuổi kém ông và cũng nằm trên giường làm thơ, đó là nhà thơ Đỗ Trọng Khơi.

40 năm nằm ngửa
Tôi đến thăm ông Phạm Minh Giắng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thái Bình (xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) khi ông đang lướt web. Vừa tiếp chuyện khách, ông vừa dạo một vòng trang lucbat.com. Từ lâu, ông đã trở thành một thành viên tích cực của trang dành cho những người yêu thơ này. Ông bình thơ của các bạn thơ, gửi nỗi lòng mình lên qua những câu thơ sáng tác.

"Thi sĩ nằm" Phạm Minh Giắng sinh năm 1950 tại Quỳnh Phụ, Thái Bình. Bất hạnh liên tiếp giáng xuống số phận cậu bé Giắng. Bố hy sinh tại chiến trường khi cậu mới một tuổi. Mẹ mất vì bạo bệnh một năm sau đó, để lại cậu côi cút sống cùng bà nội.

Năm lên 11 tuổi, cái tuổi vô lo, vô nghĩ, cậu bị bệnh thấp khớp. "Giá mà như bây giờ, bệnh này người ta chữa ngon lành. Và cũng giá như lúc ấy, nhà có nhiều tiền để uống đủ các thang thuốc đông y như thầy lang dặn thì..." - ông nói khẽ, nghe như tiếng thở dài.

Đau, uống thuốc, rồi đỡ, rồi lại đau... Cậu học trò sáng dạ, lúc nào cũng háo hức đến trường đó nghĩ đơn giản, đau rồi sẽ khỏi, chân mình rồi sẽ cứng cáp lại thôi. Nào ngờ, đến một ngày, đôi chân cậu không thể trụ vững nữa. Đó là năm cậu 17 tuổi, cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu", nhưng lưng đã dán chặt với cái giường.

Tuyệt vọng! Chàng trai ấy chìm trong đau buồn nhiều năm sau đó. Rồi người thân thiết nhất còn lại - bà nội - cũng "bỏ anh" mà đi. Sau khi sống với gia đình bác, thì từ 1985, anh Giắng đã "chuyển hộ khẩu" vào trung tâm này.

Giờ thì, người ông "như chiếc bánh đa", theo cách nói của Giám đốc Trung tâm Trần Trung Dũng. Đôi chân teo tóp, tạo thành hình thoi dị dạng, nằm im nơi cuối giường, lồng ngực lép kẹp, mái tóc bạc rụng gần hết, môi thâm, bàn tay phải gần như liệt, lúc nào cũng run run. May thay, chỉ còn bàn tay trái là bình thường.

Cả thế giới tại... giường

Trước khi gặp, tôi cứ nghĩ, một người ít khi rời khỏi chiếc giường như ông chắc phải "lạc hậu" lắm. Nhưng tôi đã lầm: quanh ông là một "thế giới công nghệ"!

Chưa kể đến chiếc tivi do trung tâm tặng, thì ông còn có điện thoại (cả di động lẫn cố định), có USB, và nhất là hệ thống máy tính kết nối mạng Internet, cùng máy in! Những đồ này hầu hết do ông tự mua mấy năm trở lại đây bằng tiền dành dụm được từ khoản trợ cấp con liệt sĩ hơn 1 triệu đồng của mình.

Để quyển sách trên ngực, đặt con chuột lên quyển sách, những ngón tay trái nhẹ nhàng di chuột quang để mở web. Cách gõ văn bản của ông có lẽ "độc nhất vô nhị": tay phải nẹp bàn phím trên không, tay trái "dạo chơi" trên các phím; chữ để phông to đùng (mới nhìn thấy được). Những bài thơ, tác phẩm ông sáng tác được, ông gửi qua mail đến các báo. Những báo nào không gửi qua mail, ông in tác phẩm, rồi bỏ vào bao thư, nhờ người mang ra bưu điện gửi. Vừa rồi, ông đã lập blog, và nhờ tôi dạy cho cách đưa ảnh vào trong entry (bài viết).

Tôi vừa hướng dẫn cho ông, vừa hỏi vui: "Nhiều người có tuổi như ông "dị ứng" với máy vi tính, sao ông có thể dùng nó "sành điệu" thế?". Ông cười thật tươi: "Tôi bày tỏ ý định muốn mua máy tính, vậy là trung tâm hỗ trợ một nửa tiền, tôi bỏ ra một nửa. Tôi mới mua được cái máy cũ này vài tháng nay thôi, giá 4 triệu đồng. Lúc đầu biết gì đâu. Được các cháu sinh viên chỉ bảo cho vài chiêu, rồi tôi đọc sách, tự mày mò thôi".


Ông Giăng đang gửi Email
Trước đây, khi chưa có máy tính, mỗi lần làm thơ, ông lấy tay phải kê tấm gỗ, rồi viết lên, vừa chậm, lại rất mỏi. Khi không viết thì chẳng biết làm gì, đôi tay thừa thãi. Giờ thì máy tính là người bạn thân thiết của ông, nơi ông gửi lên những mảnh tâm sự, có thể dạo chơi cả ngày mà không biết chán, và biết được chuyện của cả thế giới.
 Buổi sáng, thức dậy, ông làm vài động tác thể dục (ngoáy ngoáy hai cái tay), rồi lại cắm cúi vào máy tính. Hết lướt web, làm thơ, rồi chat... Gần bữa ăn, ông cắm nồi cơm điện được hộ lý để sẵn. Ông bảo bây giờ gạo mềm nên mới ăn cơm, chứ ngày trước, gạo cứng nên ông cho vào máy xay, kể cả hoa quả, thịt... rồi nấu súp. Ăn cho dễ tiêu! Có khi ông mải làm việc quên cả ăn, quên cả ngủ, nhớ ra thì cơm đã khô khốc, thì bầu trời đã sáng xám từ lúc nào.

Ít ai biết được rằng, cả một "công trình phụ" đang nằm dưới giường ông. Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt, ông mỉm cười thuyết trình "quy chế vận hành" của nhà vệ sinh đặc biệt này: "Khi nào có "nhu cầu", mà thường những người ít vận động như tôi thì phải 4-5 ngày/lần, tôi dùng lực đẩy cái nắp ở cuối giường, rồi "giải quyết". Sau đó thì dùng "điều khiển từ xa" (tức cái gậy) để giật nước. Ào! Đậy nắp lại. Thế là xong! Không phải phiền ai cả".

Trước kia, điều ông khổ tâm nhất chính là cái khoản khó nói này. Mỗi lần "vệ sinh nặng" lẫn "nhẹ", các hộ lý, mà phần lớn là nữ, lại phải có mặt giúp ông mọi việc, khiêng ông đi, khiêng ông về, rồi bưng bê. Nhiều khi "đi" mà không biết, ông thấy phiền, khổ tâm, mặc cảm lắm.

Cách đây mấy năm, ông Dũng đã nhờ người thiết kế hệ thống này dựa trên ý tưởng ngay tại giường. Khỏi phải nói, ông Giắng mừng như nào. "Cái nhà vệ sinh này đã cởi bỏ cho tôi gánh mặc cảm nặng nề. Sướng nhất là không làm phiền mọi người, anh ạ" - ông hoan hỉ.

"Để con tim khóc mỗi khi trở mình"...

Quả thực, cái thông tin khiến tôi quyết tâm tìm đến nói chuyện với ông, chính là "nhà thơ không bao giờ ngồi này" đã "mẹ tròn con vuông" hai tập thơ. Một là "Giọt mưa ngâu" cách đây vài năm, và "Mười ngón tay nhớ" vừa ra lò. "Hai đứa con" này ra đời với "bà đỡ" là một số tổ chức, cá nhân hảo tâm.

Tính đến giờ, "thi sĩ" đã viết được hơn hai trăm bài thơ, hơn một trăm bài hài kịch, thơ đả kích. Ông bảo "Với thơ tôi chẳng tính hơn thiệt gì", bởi thơ mang lại cho tôi niềm vui và bạn bè". Ông đã có bạn bè khắp mọi miền đất nước, và cả nước ngoài nữa.

Tên ông đã xuất hiện nhiều trên các báo. Bài thơ đầu tay của ông chính là bài "Thôn nữ trong tranh" đăng trên báo Nhân Dân năm 1999. Ông cũng đã từng được Đài Tiếng nói Việt Nam trao giải trong cuộc thi viết hài truyền thanh. Ông Dũng bảo: "Mỗi tháng, tôi đều mấy lần ký xác nhận giấy các báo gửi cho anh Giắng. Trung bình mỗi tháng phải 500.000đ".

Ông Giắng cười móm mém, tiếp lời: "Được bao nhiêu, tôi lại "lấy mỡ nó rán nó", lại mua hết báo chú ạ. Báo là nguồn vui của tôi". Tôi thực sự "hoảng" khi ông bảo đang đặt...15 đầu báo, tạp chí.

Ông có gương mặt rất hóm. Cái mũi to, ánh mắt nhìn hấp háy, cái miệng như lúc nào cũng sẵn lòng cười... Chả thế mà ông viết tiểu phẩm hài sâu cay đến vậy. Kể cả khi viết thơ, ông cũng mang vào nụ cười tinh quái của mình.

Tôi đã dành cả buổi tối để đọc thơ của ông. Tôi tìm thấy trong đó có chút gì của nữ sĩ Xuân Hương khi ông viết: "Bồ nhí chị bảo cho hay/ Chị thì chị tốc váy mây che trời" (Thu Kiều); hay khi "Được tặng bắp ngô": "Nâng niu bóc cánh vàng nhè nhẹ/ Mới biết rằng em vẫn ngọc ngà".

Có cảm giác như bóc đi lớp vỏ xù xì, khô xác, trong ông là một trái tim rạo rực "nhịp đau, nhịp hát", một tâm hồn lãng mạn, căng trào nhựa sống. Nói như thơ Phùng Quán, có lẽ "những lúc ngã lòng", ông đã "vịn câu thơ để đứng dậy".

Những câu thơ thật phong tình, táo bạo này là do ông viết: "Bụng tình rúc rích đòi cơm/ Gạo trong nồi, bén lửa rơm, cháy bùng" (Mộng tình).

Còn tôi tin đây không chỉ là nỗi lòng của cô gái cao số nào đó: "Trời cho mang số không chồng/ Còn cho tim đỏ, má hồng làm chi/ Má hồng chẳng chịu phai đi/ Để cho tim khóc mỗi khi trở mình" (Vô tình).

Nghe nói ông từng có ý định sẻ chia đời mình với một người phụ nữ cũng bị tật nguyền ở Hà Tây (cũ), nhưng cuối cùng không đi đến đâu, để giờ ông vẫn lẻ bóng.

Chia tay, ông nhìn tôi: "Cảm ơn anh nhé". "Cảm ơn vì cái gì ạ?". "Vì đã nói chuyện với tôi. Tôi vui lắm". Tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Và có lẽ, cả ông nữa...

"Mười ngón tay chị Hai/ Mười con mắt/ Sờ nắn chân tay tôi/ Biết chân tay tôi teo quắp/ Chị Hai khóc/ Tôi nằm nhìn trời/ Muôn triệu lung linh/ Mắt các nàng tiên/ Tự nhiên tôi ước/ Có ngôi sao nào lắp làm sáng mắt chị Hai?/ Chị Hai hết mù/ Đặt tay bên ngực tôi/ Biết trong ngực gày lép có quả tim/Nhịp đau/ Nhịp hát/ Chị Hai cười" (Mười ngón tay nhớ - Phạm Minh Giắng).
Phóng sự của Đoàn Tất Thảo
http://www.laodong.com.vn/Home/Nam-ngua-lam-tho/20101/170637.laodong

0 nhận xét:

Đăng nhận xét