Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi lấy được vợ là nhờ một… cuốn sách


Thái Bình có chuyện không ngờ
Nhà văn viết đứng, nhà thơ viết nằm...
     'Nhà văn viết đứng' là Trần Văn Thước, còn “Nhà thơ viết nằm” là Đỗ Trọng Khơi. Cách đây gần mười năm, tôi từng cất công tìm về vùng quê lúa, thực hiện bài phóng sự về hai nhân vật đặc biệt này. Họ đặc biệt bởi đều là những người khuyết tật, vượt lên số phận và trở thành nhà văn nổi tiếng. Hai bài viết sau khi đăng báo, xôn xao dư luận, đã được chọn đưa vào tập chuyện làng văn nghệ và chân dung văn nghệ sĩ mang tên “Đa tài và đa tình” (NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2005)…


 Đầu tháng 6-2009, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi thông báo anh sắp cưới vợ. Tôi càng bất ngờ hơn, khi nghe Khơi nói anh sắp lấy được vợ là nhờ cuốn sách “Đa tài và đa tình” của tôi: Một cô gái ở tận Bạc Liêu khi đọc bài viết trong đó, đã cảm động mà tình nguyện làm vợ anh. Đám cưới của hai người đã được tổ chức vào ngày Chủ nhật, 14-6-2009.
NHỮNG CHUYỆN LẠ LÙNG CÓ THẬT 
         Biết chúng tôi có ý định về Thái Bình thăm Đỗ Trọng Khơi, một bạn văn bảo: Hỏi thăm đường dễ lắm! Từ thị xã Hưng Yên qua cầu Triều Dương tới thị trấn huyện lỵ Hưng Hà, hỏi nhà anh Khơi ở xã Văn Cẩm là ai cũng nhiệt tình chỉ ngay.
     Quả đúng thế, đến khu Chợ Mới, vừa nhắc đến tên anh nhà thơ bị liệt hai chân, một bác thợ cắt tóc đã nhiệt tình ra tận xe chỉ đường hết sức cặn kẽ. Tới đầu làng Trần Xá, chẳng cần nhờ vả gì, trẻ con vẫn rồng rắn tình nguyện dẫn khách đến tận nhà “chú Khơi”.
     Một cầu thang hẹp dẫn chúng tôi lên căn phòng nhỏ trên gác hai, nơi có chiếc giường cũ và Đỗ Trọng Khơi đã nằm đó mấy chục năm. Mỗi khi có khách tới thăm nhà, anh sốt sắng chào mời, nhưng vẫn phải nằm để tiếp khách. Muốn ngồi dậy, phải có người đỡ, tất cả sinh hoạt: ăn, uống, vệ sinh... của anh trong hai mươi nhăm năm qua đều diễn ra trên chiếc giường ấy.
     Sinh ngày 17 tháng 7 năm 1960, cậu bé Khơi cũng như bao đứa trẻ khác trong làng Trần Xá, rất thích chạy nhảy nô đùa. Năm lên tám tuổi, cậu bất ngờ bị mắc chứng bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Căn bệnh quái ác đã buộc Khơi phải nằm liệt trên giường. Khi ấy cậu bé vừa học xong lớp Ba, mới vào lớp Bốn được hơn chục ngày, giống như một chú chim non sớm gãy cánh và lìa đàn.
     Và cũng kể từ đó, cuộc sống của Khơi bị vây hãm trong căn phòng nhỏ hẹp. Biết bao nhiêu thuốc thang, đủ cách chạy chữa, nhưng đôi chân của anh vẫn co quắp và teo dần; một bàn tay không cầm nắm được...
     Mẹ của Khơi gạt nước mắt mỗi khi nhìn đứa con trai duy nhất trong nhà nằm quặt quẹo. Nỗi đau của bà càng tăng lên gấp bội khi nhận được tin người chồng đã hy sinh tại mặt trận phía Nam. Chăm sóc Khơi ngày đó vất vả nhất là ông nội và bà nội. Khi ông bà lần lượt qua đời, gánh nặng đặt lên vai mẹ và tiếp đó là chị gái, em gái... Khơi nói, anh biết ơn tất cả mọi người trong gia đình. Biết ơn cả cô cháu gái Phạm Hồng Len (giáo viên trường Phổ thông cơ sở cấp hai Hùng Dũng) đã nhiệt tình làm liên lạc không công cho “chú Khơi” từ nhiều năm qua, mỗi khi có người gọi tới điện thoại. (Hiện Đỗ Trọng Khơi đã chuyển về sinh sống tại Thành phố Thái Bình và gia đình anh đã xây được ngôi nhà nhỏ).
      Khơi kể rằng: việc anh tập viết văn, làm thơ hết sức tự nhiên. Nó giống như một nhu cầu tự thân, cần phải bộc bạch và thổ lộ với thế giới quanh mình; còn công việc thì như người ghi nhật ký, mà văn thơ là phương tiện chuyển tải.
     Đó là khoảng đầu những năm 1980, Khơi bắt đầu làm thơ và viết những truyện ngắn đầu tay. Thơ Khơi viết về những điều anh cảm nhận từ ký ức tuổi thơ, từ sách báo, từ lời kể của người khác và từ cả những nỗi u trầm tĩnh lặng như chính cuộc đời anh. Còn văn xuôi, Khơi thường viết về đề tài dã sử. Anh thả sức tưởng tượng và tha hồ bay bổng vào những chuyện từ ngày xửa ngày xưa; như một chú bé say mê cổ tích, cứ theo những giấc mơ mà tự vượt ra khỏi luỹ tre làng Trần Xá…
     Vì trình độ văn hóa mới học hết lớp Ba trên Mười, nên để viết được văn, Khơi đã phải đọc không biết bao nhiêu là sách. Anh đã đọc sạch cả kho sách của thư viện huyện Hưng Hà, tiếp đến là thư viện tỉnh Thái Bình... Thôi thì vớ được quyển gì cũng quý, cứ nằm và đọc suốt ngày. Khơi nói, ngoài các loại sách văn học và kiến thức phổ thông, anh rất thích triết học phương đông. Khơi đã tìm đọc hết các loại sách kinh điển từ Phật, đến Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử… Còn triết học phương Tây, tuy đọc không hệ thống, nhưng từ bộ Tư bản luận của Mác cho đến triết học Hêghen, Can, Nít… anh đều nghiền ngẫm cho bằng 
  NHỌC NHẰN VÀ VINH QUANG
     Đọc rồi viết. Hai thứ ấy như hơi thở, như niềm vui sống của Đỗ Trọng Khơi hàng ngày.
     Anh viết rất nhiều, nhưng chưa bao giờ dám gửi đăng ở đâu cả. Cho đến năm 1985, có một bác sĩ trẻ tên là Hoàng Năng Trọng đến huyện Hưng Hà công tác. Vốn mê thơ văn, tình cờ Trọng có trong tay tập bản thảo của Khơi. Anh mê ngay và tìm đến nhà Khơi chơi. Hai người nhanh chóng trở thành bạn tâm giao. Trọng giúp Khơi rất nhiều, đặc biệt là việc mượn sách báo cho Khơi đọc và cho đánh máy những bản thảo mà Khơi viết tay, rồi gửi cho các báo. Trọng làm những việc ấy một cách hết sức tự nguyện và say mê... Để kỷ niệm tình bạn thân thiết giữa hai người, Khơi đã quyết định lấy bút danh của mình là Đỗ Trọng Khơi thay cho cái tên khai sinh Đỗ Xuân Khơi của anh. Theo tục lệ ở làng Trần Xá, việc thay họ đổi tên, kể cả tên đệm là rất hệ trọng. Bởi thế, việc làm “tuỳ tiện” của Khơi đã bị dòng họ Đỗ Xuân phản ứng quyết liệt. Nhưng cuối cùng mọi người vẫn đành phải chấp nhận ý muốn của Khơi.
      Năm 1990, một lần nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi về nói chuyện ở trường Đại học Y Thái Bình, nơi Bác sĩ nhãn khoa Hoàng Năng Trọng đang công tác. Trọng đã nhiệt tình giới thiệu thơ của Khơi. Trở về Hà Nội, Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã giới thiệu chùm thơ 4 bài của Đỗ Trọng Khơi trên sóng Buổi phát thanh Văn nghệ của Đài tiếng nói Việt Nam tối ngày Mười một, tháng Mười một năm 1990.
      Cũng năm ấy, Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đã đăng cho Khơi chùm thơ đầu tiên. Đó chính là chiếc “giấy thông hành” để anh bước vào làng văn chương báo chí như lời Khơi nói. Và việc gửi đăng chùm bài đầu tiên ấy, cũng có công rất lớn của Trọng.
      Chuyện nó “cầu ơ” lắm, (chữ dùng của Khơi), Trọng đã giấu Khơi gửi “cầu ơ” tập bản đến báo Văn nghệ. Nghe nói, khi bàn giao giữa các biên tập viên, nhà thơ Trần Ninh Hồ đã “cầu ơ” trao cả chồng bản thảo lai cảo cho nhà thơ Bế Kiến Quốc và nói rằng anh chưa kịp đọc. Nhà thơ Bế Kiến Quốc đã vô tình rút trong đống bản thảo ấy một tập thơ và xem một cách “cầu ơ”... Và chùm thơ của Đỗ Trọng Khơi đã được in một cách “cầu ơ” như thế. Không ngờ, năm 1990 nó đã được Tuần báo Văn nghệ trao giải Nhì.
     Ngoài sáng tác văn học, hiện Đỗ Trọng Khơi còn sáng tác cả ca khúc. Chuyện học nhạc của Khơi cũng thật độc đáo: Anh nhờ một thầy giáo ở làng “vỡ lòng” về mấy nốt nhạc lý cơ bản đồ, rê, mi, pha, son... đúng hai giờ đồng hồ, sau đó là mượn sách nhạc về tự học... Rồi chẳng biết bằng cách nào mà nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân biết được, anh đã gửi về quê cho Khơi cả một chồng sách nhạc lý. Đến nay, Đỗ Trọng Khơi đã sáng tác được khoảng ba mươi ca khúc. Một số ca khúc của anh đã được sử dụng phát trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam: Vọng Thu, Giã từ Yên Tử (phổ thơ của Vũ Quần Phương), Gọi hoa, Sông trăng...
      Hiện nay, Đỗ Trọng Khơi thường xuyên cộng tác với khoảng hai mươi tờ báo, tạp chí của trung ương và địa phương... Nhuận bút từ viết báo cũng là một phần thu nhập cộng với số tiền trợ cấp con liệt sỹ mỗi tháng là nguồn nuôi sống của anh và người mẹ già.
      Miệt mài sáng tác với nhiều thể loại, Đỗ Trọng Khơi đã dành được không ít thành tựu mà một cây bút chuyên nghiệp bình thường phải mơ ước: Anh đã lần lượt cho xuất bản: Con chim thiêng vẫn bay (Tập thơ, NXB Văn hóa, 1992); Tháng Mười thương mến (Tập thơ, Hội Văn học - Nghệ thuật Thái Bình, 1994); Trước Ngôi mộ thời gian (Tập thơ,. NXB Văn học, 1995); Bến thời gian (Tập thơ in chung, Nhà xuất bản Thanh niên, 1995); Gọi làng (Tập thơ, NXB Văn hóa thông tin, 1999); Cầm thu (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2002)... “Ma ngôn” (Tập truyện ngắn, NXB Thanh niên, 2002); “Khúc thương đau” (Tập thơ, 2006); ABC (Tập thơ, 2008)...
      Ngoài giải Nhì cuộc thi thơ của Tuần báo Văn Nghệ (1989 - 1990), Đỗ Trọng Khơi còn có giải thưởng của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam với tập thơ “Con chim thiêng vẫn bay”, giải Nhì truyện ngắn Tài hoa trẻ (1998), Giải A giải thưởng Lê Quý Đôn (1991 - 1996) do Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Bình trao tặng, Giải ca khúc trẻ của Nhà hát Tuổi trẻ và Hội Nhạc sỹ Việt Nam trao năm 1992...
     Năm 1999, Khơi bất ngờ được giải thơ quốc tế dành cho người tàn tật của Đài truyền hình NHK (Nhật Bản). Bài thơ của anh đã được một thành viên trong cặp song sinh nổi tiếng Việt-Đức vẽ minh họa và được đưa đi trưng bày ở nhiều nước…
     Năm 2001 Đỗ Trọng Khơi đã vinh dự được kết nạp và công nhận là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam!
Nguồn: lucbat.com     
Đọc thêm:
LƯƠNG DUYÊN NGÀN DẶM
( Tự thuật của chị Đỗ Kim Oanh, vợ nhà thơ Đỗ Trọng Khơi)


Vợ của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi kể: “Càng hiểu rõ hoàn cảnh và công việc cụ thể của nhau, tôi càng cảm nhận được sự ngày càng gắn bó thân thiết giữa tôi và anh. Và cũng không biết tự khi nào tôi đã coi anh là người tin cẩn, quý mến nhất. Mọi chuyện vui buồn lớn nhỏ trong cuộc sống  tôi đều tâm sự và hỏi ý kiến anh. Giữa anh và tôi như đã có một sợi dây níu chặt. Nhưng vì hoàn cảnh của anh, của tôi đều không bình thường nên tôi không dám nghĩ đến chuyện đi xa hơn. Nhưng rồi một buổi tối sau khi nói chuyện qua điện thoại với tôi, anh bảo: Em ạ, có một người đàn ông đứng tuổi ở quê anh muốn được làm người bạn đời của em. Nhưng anh ấy hoàn cảnh đặc biệt từ nhỏ vất vả lắm, không biết  em có đồng ý về Thái Bình chung sống với anh ấy không? Chẳng hiểu vì sao lúc đó tôi trả lời anh tự nhiên như đã chờ đợi lời ấy từ trước: Em biết anh ấy là ai rồi. Thực lòng em đã cảm mến anh ấy từ lâu...Trước khi kết thúc buôỉ nói chuyện ngọt ngào ấy anh ấy còn cẩn thận bảo tôi: Em cứ ra Thái Bình, ở nhà anh một tuần cho biết cụ thể rồi hãy quyết định chính thức!”

                            

    Hôm cưới tôi mới gặp được đông đủ bạn bè, họ hàng và những người quen biết của chồng. Mặc dù trước đó vợ chồng tôi đã trù liệu mọi việc khá đầy đủ nhưng tôi không ngờ được rằng ngày cưới chúng tôi đông người tới dự đến thế. Tất nhiên mọi người đến để mừng cho chúng tôi hạnh phúc. Nhưng tôi còn đọc được trong rất nhiều ánh mắt muốn tới để được chứng kiến một sự lạ trong tình duyên lứa đôi và xem một cô dâu lạ giữa thời @ như tôi.

Những người yêu văn chương cả nước chắc đều biết câu: Thái Bình có chuyện không ngờ/ nhà văn viết đứng, nhà thơ viết nằm, nói về nhà văn bị tàn tật Trần Văn Thước và chồng tôi, nhà thơ bị tật nguyền Đỗ Trọng Khơi đã vượt lên số phận, trở thành nổi tiếng. Nhà văn Trần Văn Thước đã gần 60 tuổi, xây dựng gia đình từ trước ngày bị tai nạn, hiện nay đã có đầy đủ con trai con gái và đã lên chức ông. Còn nhà thơ viết nằm năm nay bước vào tuổi tri thiên mệnh nhưng cho tới ngày gặp tôi anh vẫn chưa có một lời hò hẹn với ai. Có thể nói gia cảnh và bệnh tình chồng tôi khá  đặc biệt. Ông nội anh chỉ có bố anh là người con độc nhất. Và bố mẹ anh sinh được ba người con nhưng chỉ có mình anh là con trai. Khi cô em gái út anh chưa đầy tuổi thì bố anh nhập ngũ. Ông đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam và hy sinh tại Quảng Ngãi. Là niềm hy vọng nối dõi tông đường của một nhành họ Đỗ Xuân làng Trần Xá, nhưng năm 8 tuổi, học xong lớp Ba anh bị một căn bệnh quái ác viêm đa khớp dạng thấp. Chạy chữa mãi, bao nhiêu thuốc thang nhưng đôi chân anh vẫn bị co quắp và teo dần, một bàn tay hầu như không cầm nắm được. Cuộc sống của anh từ đó bị cột chặt vào chiếc giường, anh như con chim non chưa kịp ra ràng đã bị gẫy cánh, lìa đàn. Thời gian anh bắt đầu bị liệt, rồi bố hy sinh đó là những ngày đen tối nhất của gia đình anh. Đau xót và nghèo túng, nhưng ông bà nội và mẹ anh vẫn phải gồng lên để sống chăm lo cho con cháu. Mẹ anh nuốt nước mắt vào trong lo cầy cấy đến quắt người để nuôi cả nhà. Ông bà nội dành hết tâm lực để chăm sóc, dạy dỗ anh. Rồi ông bà lần lượt qua đời, mọi gánh nặng gia đình dồn lên vai mẹ và tiếp đó là chị gái, em gái... Dù vất vả nghèo khó nhưng mọi người trong nhà lúc nào cũng dành hết sự yêu thương cho anh. Có một thời nhà không có tiền nhưng mẹ anh vẫn chạy vạy bằng được mua cho anh chiếc đài bán dẫn để anh biết được thông tin và cuộc sống xã hội bên ngoài. Khi anh thích đọc mọi người trong gia đình và  thân quen tìm mọi cách để anh có được những sách báo cần thiết. Có ai ngờ đâu chính cái nguồn văn hoá, văn chương qua chiếc đài bán dẫn rẻ tiền và những trang sách báo cũ kỹ như mớ giấy bán đồng nát ngày ấy đã thai nghén và nuôi nấng tâm hồn anh thành một nhà thơ sau này.

Ngoài 20 tuổi anh mới bắt đầu viết. Những tác phẩm đầu tay của anh chủ yếu là những điều cảm nhận từ ký ước tuổi thơ, từ những điều đã nghe đã đọc và cả từ những nỗi u trầm tĩnh lặng của cuộc đời mình. Nhờ có sự ham mê và trí óc tưởng tượng phong phú mà những điều anh viết ra ngày càng có hồn hơn và tự nó bay bổng vượt ra được khỏi luỹ tre làng Trần Xá. Song để viết được những tác phẩm có giá trị thực thụ, những tháng năm ấy anh đã phải đọc không biết bao nhiêu là sách. Anh đã mượn gần hết những quyển sách cần thiết của kho sách thư viện huyện Hưng Hà, rồi cả thư viện tỉnh Thái Bình. Ngoài các loại sách văn học và kiến thức phổ thông, anh rất mê triết học. Những khi có những tập sách kinh điển về Phật, về Lão, Trang, về Khổng ... của phương Đông hay Hêghen, Can, Nít và cả Mác.. phương Tây anh đều đọc hết từ trang đầu đến trang cuối và nghiền ngẫm rất kỹ. Đọc rồi viết, hai công việc ấy dần trở thành nhu cầu tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày và là niềm vui sống của anh trên chiếc giường cách biệt với xã hội bên ngoài. Viết nhiều, nhưng để tác phẩm của anh được đăng trên báo chí, đến được với người làm văn chương, bạn đọc xa gần và anh thành danh như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của rất nhiều người. Trong đó những người anh nặng ơn tình nhất là tiến sỹ Y khoa Hoàng Năng Trọng và hai nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, Bế Kiến Quốc. Bác sỹ Trọng là người đầu tiên cầm bản thảo tập thơ của anh đi gõ cửa các báo chí xa gần và là anh em kết nghĩa gắn bó thân thiết với anh giúp đỡ anh nhiều việc lớn trong mấy chục năm qua. Hai nhà thơ đều đã qua đời là những người đầu tiên giới thiệu thơ anh trên văn đàn và bảo vệ giải thưởng cho anh trên báo Văn nghệ. Đó chính là những tấm giấy thông hành đầu tiên để anh bước vào làng văn chương báo chí…

Cho tới những năm đã gần 50 tuổi, mặc dù đã thành danh và được nhiều người cả nước biết đến nhưng với hoàn cảnh đặc biệt của mình hầu như anh chưa bao giờ nghĩ tới một tổ ấm của riêng mình. Nhưng anh là người vừa tin vào số phận lại vừa nhạy cảm và quyết tâm làm những gì có thể làm được để xoay chuyển cuộc đời. Tự biết mình vẫn có khả năng của người đàn ông nên cách đây vài năm anh đã âm thầm chịu đựng làm cuộc phẫu thuật chỉnh hình để chuẩn bị cho cái thiên chức làm chồng làm cha…

Những điều kể trên, sau khi làm vợ anh, tôi mới được biết đầy đủ qua anh và những người thân quen kể lại chứ những ngày ấy tôi còn ở một góc trời khác. Tôi lớn lên ở vùng chiêm trũng Ý Yên (Nam Định) với tuổi thơ không được suôn sẻ ngọt ngào. Mẹ tôi sinh được hai chị em gái, chúng tôi chưa trưởng thành thì bà qua đời vì bệnh trọng.   Cha tôi công tác ở Hà Nội và tục huyền. Hai chị em tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả. Học xong THPT không thi được đại học, tôi đi học rồi về làm cô giáo mầm non ở quê và lấy chồng. Em gái tôi phải lên tận Lai Châu công tác và lập gia đình ở đó. Có lẽ tại tôi đội tuổi Canh Tuất nên giống như nhiều người đàn bà đứng chữ Canh đường chồng con thường hay lận đận. Tôi sinh cháu gái mới được hơn một tháng thì vợ chồng phải chia tay nhau. Trước cảnh gia đình đổ vỡ, tôi muốn bế con đi một nơi thật xa để quên đi những chuyện buồn tủi đầu đời. Sau nhờ có một bà cô xin cho học lớp thư viện ở Bạc Liêu tôi vào đó học rồi ra trường về làm thủ thư ở thư viện tỉnh. Đã ngoài ba mươi tuổi, tình cảnh như con én lạc đàn, sảy cung giờ vẫn sợ làn cây cong, nên chưa bao giờ tôi dám nghĩ tới việc bước đi bước nữa. Việc tôi quen anh cũng hết sức tự nhiên. Từ ngày làm ở thư viện tôi thường lấy sách làm bạn tâm tình chia sẻ buồn vui. Tôi chưa biết anh là ai nhưng thường xuyên thấy thơ anh và những bài viết về anh trên trên các báo. Ban đầu cái tên anh cũng bình thường như bao nhà thơ nhà văn khác mà tôi đã đọc. Một lần tình cờ đọc trong cuốn sách Đa tình và đa tài của nhà thơ Đặng Vương Hưng có bài Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, 25 năm cất tiếng gọi đời, làm tôi thực sự khâm phục, cảm động đến rơi nước mắt và vô cùng quý nể anh. Với tình cảm chân thành tôi rất muốn được làm quen để tỏ lòng ngưỡng mộ và  chia xẻ động viên với một con người giầu nghị lực và tài hoa. Nhưng lại e mọi người nghĩ mình thấy kẻ sang bắt quàng làm họ nên cứ đắn đo mãi. Giữa năm 2006 tôi mới dám viết thư cho anh với mong muốn được làm quen, kết bạn. Ít ngày sau tôi nhận được thư anh cảm ơn sự quan tâm và mời tôi nếu có dịp về quê thì ghé qua Thái Bình mến khách thăm nhau. Cuối thư anh cho cả số điện thoại di động để tôi cần thì liên lạc. Thấy anh là người chân thành và quý trọng tình cảm, một buổi tối tôi mạnh dạn nhắn tin cho anh: Em là Oanh ở Bạc Liêu đây, em muốn được có anh là bạn, thỉnh thoảng mình tâm sự cho đỡ buồn. Anh tin lại cho tôi là cũng mong được như thế. Từ đó tôi và anh thường xuyên nhắn tin và điện thoại cho nhau. Càng hiểu rõ hoàn cảnh và công việc cụ thể của nhau tôi càng cảm nhận được sự ngày càng gắn bó thân thiết giữa tôi và anh. Và cũng không biết tự khi nào tôi đã coi anh là người tin cẩn, quý mến nhất. Mọi chuyện vui buồn lớn nhỏ trong cuộc sống  tôi đều tâm sự và hỏi ý kiến anh. Giữa anh và tôi như đã có một sợi dây níu chặt. Nhưng vì hoàn cảnh của anh, của tôi đều không bình thường nên tôi không dám nghĩ đến chuyện đi xa hơn. Nhưng rồi một buổi tối sau khi nói chuyện qua điện thoại với tôi, anh bảo: Em ạ, có một người đàn ông đứng tuổi ở quê anh muốn được làm người bạn đời của em. Nhưng anh ấy hoàn cảnh đặc biệt từ nhỏ vất vả lắm, không biết  em có đồng ý về Thái Bình chung sống với anh ấy không? Chẳng hiểu vì sao lúc đó tôi trả lời anh tự nhiên như đã chờ đợi lời ấy từ trước: Em biết anh ấy là ai rồi. Thực lòng em đã cảm mến anh ấy từ lâu...Trước khi kết thúc buôỉ nói chuyện ngọt ngào ấy anh ấy còn cẩn thận bảo tôi: Em cứ ra Thái Bình, ở nhà anh một tuần cho biết cụ thể rồi hãy quyết định chính thức. Một lời ấy làm tôi càng tin tưởng và quý mến anh là người thẳng thắn, cẩn trọng…

Sau một thời gian suy nghĩ đắn đo, rồi tôi quyết định xin nghỉ việc và thu xếp cuộc sống để ra với anh. Tuy là lần đầu tiên nhìn thấy nhau bằng xương bằng thịt nhưng vì đã hiểu hết cuộc sống và hoàn cảnh anh qua mấy năm tâm sự nên tôi thấy anh và mọi người thân không có gì khác lạ so với với những gì tôi đã hình dung. Tôi thực sự xúc động khi anh nắm bàn tay tôi và nhắc lại câu nói lần trước: Em cứ ở đây mấy ngày, xem thử cuộc sống của anh, nếu đồng ý thì chúng mình tính xa hơn, còn nếu không thì anh không trách em đâu. Tôi cảm nhận anh cũng coi tôi như đã gần gũi thân thiết tự bao giờ, nên chẳng cần suy nghĩ mà nói ngay:  Em đã đồng ý ra với anh nghĩa là anh chấp nhận tất cả, dù cuộc sống có khó khăn đến mấy... Ở bên nhau mấy ngày rồi chúng tôi bàn bạc chuẩn bị cho việc tổ chức lễ cuới.

Đúng là trong ngày cưới bên cạnh những nụ cuời hân hoan mừng cho hạnh phúc chúng tôi, tôi còn đọc được nhiều ánh mắt nhìn cuộc hôn nhân của chúng tôi và tôi như một sự lạ. Đó là những điều nhiều người tò mò và băn khoăn: Tại sao một người con gái đã có cuộc sống nghề nghiệp ổn định, đang thoải mái tự do như tôi lại chấp nhận bó bện với hoàn cảnh của anh? Có phải tôi yêu thương anh thực sự  hay chỉ mê cái danh của một người đã nổi tiếng? Liệu tôi có đủ nghị lực và tình thương yêu để gắn bó với anh suốt đời không?...Bởi không phải là tôi nên họ có ý nghĩ như vậy là tất nhiên. Những điều ấy chỉ có tôi và anh hiểu một cách đầy đủ, rõ ràng trước khi quyết định gắn bó với nhau.

Sau ngày cưới nghỉ ngơi, thu xếp công việc gia đình vài tuần và lo thủ tục chuyển trường cho cháu Diệp Anh, con gái tôi về Thái Bình học. Rồi mấy người bạn thân thiết của anh đã xắp xếp cho tôi đi làm ở thư viện trường Đại học Y Thái Bình. Bây giờ hàng ngày tôi đến công sở làm việc và hai bận đi về chăm sóc anh, chăm lo cho cuộc sống của cái gia đình nhỏ bé của chúng tôi. Tôi thực sự thấy cuộc sống của mình bình thường như mọi người phụ nữ bình thường khác có một gia đình hạnh phúc.

                                  NGUYỄN LONG ( ghi)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét