Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2010

Đài truyền thanh xã-mấy ai đã hiểu!


Loa công cộng thay thế tiếng gà gáy sáng…”
Loa hợp tác
Loa công cộng sử  dụng thiết bị thu  sóng tự  động
5 giờ sáng mỗi ngày, đều như vắt chanh, khắp các thôn xóm của xã Thụy Quỳnh lại vang lên tiếng nhạc tập thể dục buổi sáng của Đài TNVN phát đi từ những cụm loa của Đài truyền thanh xã. Người dân từ lâu đã quen với tiếng “loa công cộng” này cũng như quen với tiếng gà gáy sáng đánh thức sau một đêm nghỉ ngơi và bắt đầu một ngày làm việc mới.
Trước đây khi truyền hình chưa phát triển và ngay cả bây giờ khi mỗi nhà đều có một chiếc ti vi thì vai trò quan trọng của đài truyền thanh xã không thể phủ nhận. Đài không những là phương tiện tuyên truyền hiệu quả  kịp thời những đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, những chủ trương của địa phương mà còn là một người bạn thân thiết của người dân khi đài cung cấp thông tin về thời tiết, bão gió, lịch gieo trồng mùa vụ,…vv cũng như phổ biến những kiến thức về sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù ngày càng nhiều người tỏ ra không có cảm tình với đài truyền thanh xã, đặc biệt là những ai nhà gần loa công cộng luôn than phiền rằng Đài chỉ gây phiền toái cho cuộc sống của họ vì sự “ồn ào” mấy tiếng đồng hồ một ngày và cũng chẳng có thông tin gì mà họ cho là cần thiết, nhưng cũng không phải vì thế các cấp chính quyền thiếu quan tâm đến vai trò thực sự quan trọng của Đài, không thể để cho cuộc sống hiện đại cùng với truyền hình làm mờ nhạt đi vai trò của một “cơ quan ngôn luận” xã.
Tiên phong đầu tư nâng cấp hệ thống phát thanh
Trong khi rất nhiều xã khác trong huyện Thái Thụy vẫn đang sử dụng một hệ thống đài truyền thanh với “dây rợ chằng chịt”, máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu thì Đài truyền thanh xã Thụy Quỳnh với hệ truyền dẫn không dây quả thực vẫn là một sự đầu tư tiên phong. (có những xã của huyện Tiền Hải đã đầu tư  từ năm 1998).
Năm 2007, cấp ủy,chính quyền xã đã đầu tư 240 triệu đồng (trong đó huyện hỗ trợ một nửa) để nâng cấp hệ thống truyền thanh của xã từ hữu tuyền thành vô tuyến. Cột phát sóng gửi nhờ cột thu phát sóng di động của Viettel phát tần số riêng có bán kính phủ sóng 5 km. Gần ba chục cụm loa có gắn thiết bị thu sóng tự động được đặt trên các cột điện khắp các thôn xóm và được đấu trực tiếp với điện lưới thể hiện tính sẵn sàng và đảm bảo âm thanh to rõ đều khắp.
Đài truyền thanh có 3 cán bộ, một  trưởng đài  (ông Ưu- thôn An Bái) và hai phát thanh viên. Trong đó ông Phạm Văn Xuất (thôn Quỳnh Lý) vừa là phát thanh viên vừa kiêm luôn cả việc viết tin bài, ông Đào Ngọc Ba là phát thanh viên kiêm kỹ thuật viên. Hai phát thanh viên này thay nhau, ông Xuất buổi sáng, ông Ba buổi chiều. Mặc dù công việc của nhà Đài không chiếm thời gian suốt cả ngày, nhưng không phải là không có lúc bận rộn. Ngoài hai buổi mở máy phát thanh sáng và chiều ra, thi thoảng ngày nọ ngày kia cũng có những buổi truyền thanh tuyên truyền, rồi những hoạt động của các ban ngành đoàn thể, những cuộc họp quan trọng cần phải “tường thuật trực tiếp”…đấy là chưa kể những lúc loa hỏng phải đi kiểm tra thay thế mất rất nhiều thời gian.
Cán bộ Đài truyền thanh ăn cơm nhà thổi tù và “của xã”
Cán bộ Phát thanh viên đài xã
Ông Đào Ngọc Ba-phát thanh viên Đài truyền thanh xã
Chế độ phụ cấp cho những cán bộ Đài truyền thanh xã quả thực khiến người ta phải giật mình. Trợ cấp (theo quy của Tỉnh) một tháng từ A-Z cho trưởng đài là 350 ngàn đồng, các cán bộ khác là 262 ngàn đồng. Không được đóng bảo hiểm, không tiền nhuận bút, cho dù có “ngoại ngoặm” chăng nữa thì một PTV kiêm nọ kiêm kia cũng chỉ được một tháng khoảng 300 ngàn đồng. Với số lương ít ỏi như thế đem so với lượng công việc không ít và tầm quan trọng của một Đài truyền thanh cơ sở thì quả thực đãi ngộ này không hề thỏa đáng.
Trao đổi với ông Đào Ngọc Ba tôi được biết, thu nhập của một phát thanh viên mỗi tháng được khoảng 300 ngàn đồng, làm thêm “thợ điện” cho Hợp tác xã điện năng của xã mỗi tháng cũng được khoảng 800 ngàn, nếu không làm thêm nghề sửa chữa đồ điện gia đình lúc rảnh rỗi thì cũng không đủ sống. Ông Ba cũng cho biết cả 3 cán bộ của Đài nếu không làm thêm nhiều công việc khác thì cũng bỏ nghề phát thanh lâu rồi.
Làm cán bộ xã như anh PTV quả thực cũng chỉ là kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy, chứ nếu không tâm huyết với công việc của xã của làng chắc chẳng ai kham nổi.
Ông Ba tâm sự thêm: “lắm lúc đi kiểm tra thấy loa hỏng, phải đi tìm ông thợ điện của thôn đó xin cắt điện để sửa chữa. Có hôm tìm không được đành mất cả nửa ngày không được việc gì”.
“Phát thanh trực tiếp”
Ngoài thời gian “tiếp âm” các đài phát thanh cấp trên thì phần lớn các chương trình phát thanh của đài đều là “phát thanh trực tiếp”. Những chương trình không được dựng trước và có bản lưu sau khi đã phát thanh.Thi thoảng có những bài tuyên truyền phải phát đi phát lại hàng tuần mới thu vào băng Nội dung cơ bản của các buổi phát thanh là “thông báo” của các Ban ngành đoàn thể, còn những tin bài liên quan đến hoạt động của trong xã thì các phát thanh viên “tự biên tự diễn”.
Thực tế để xây dựng một chương trình phát thanh chuyên nghiệp một chút cần phải có hệ thống phòng thu hiện đại và các cán bộ đài phải có kỹ năng nghiệp vụ nhất định. Tuy nhiên do hệ thống làm chương trình phát thanh của xã chỉ đơn giản là một chiếc đài FM và chiếc máy tăng âm thì có muốn làm một chương trình hiện đại cũng không thể thực hiện được.
Loa công cộng
Cụm loa truyền thanh cầu Thọ Cách
Theo được biết năm 2008 toàn bộ máy móc thiết bị hiện đại của Đài bị kẻ gian ăn trộm, đến nay các cán bộ Đài xã vẫn phải sử dụng lại thiết bị cũ kỹ từ ngày xưa. Thiết nghĩ đài phát thanh cấp xã cũng giống như đài huyện, đài tỉnh hay đài TNVN trong bất kỳ thời nào cũng cần phải được duy trì. Mặc dù sang năm 2010 chế độ cho cán bộ đài truyền thanh xã sẽ được cải thiện rõ rệt, nhưng các cấp chính quyền cũng cần phải quan tâm hơn nữa đến cơ quan thông tin “đầu não” của mình để đài truyền thanh xã thực sự  trở thành cầu nối giữa Đảng ủy,chính quyền và người dân.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét