Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2010

Điểm bưu điện văn hóa xã Thụy Quỳnh



Ở huyện Thái Thụy, xã nào cũng có một Điểm bưu điện văn hóa. Ở những năm đầu khi mới xây dựng, phải nói đây là niềm tự hào cho mỗi xã.
Điểm bưu điện văn hóa xã là một mô hình kết hợp các dịch vụ bưu chính viễn thông cơ bản (kể cả việc truy cập Internet) với việc phổ biến thông tin và đọc sách báo miễn phí của ngành Bưu điện Việt Nam cho người dân vùng nông thôn, góp phần cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực nông thôn, làm cho người dân được hưởng lợi ích của các dịch vụ Bưu chính, viễn thông. Ngoài cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông, điểm Bưu điện văn hóa xã còn là nơi phục vụ nhân dân đến đọc sách báo miễn phí nhằm giúp người dân nông  thôn có điều kiện tiếp cận với thông tin tri thức, nắm bắt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa  tinh thần ở nông thôn.
Điểm bưu điện văn hóa xã Thụy Quỳnh năm bên cạnh trụ sở ủy ban nhân dân. Được xây dựng theo chủ trương của Bộ Bưu chính viễn thông từ năm 1998 (gì đó), đến nay cũng đã hơn 10 năm rồi. Quả thực trong suốt 10 năm qua, tôi không thấy ở đây có sự khác biệt nào giữa một điểm bưu điện bình thường và điểm bưu điện gọi là “văn hóa”.Không thấy có sự khác biệt là bởi vì tôi chưa thấy cái “lợi ích” về mặt “văn hóa” mà điểm bưu điện cung cấp.
Người dân nông thôn, từ khi có điểm bưu điện văn hóa, đã có thể gọi điện thoại với giá rẻ hơn ở ngoài dịch vụ. Đây mặc dụ là một sự tiện lợi, nhưng không phải ai cũng có thể được hưởng “lợi ích” này. Xã Thụy Quỳnh có 5 thôn, Bưu điện đặt ở Trung tâm xã, người dân ở những xã như Vân Am, Thọ Cách, An Bái thì cách quá xa điểm bưu điện, chỉ có Kha Lý và Quỳnh Lý là có vẻ gần gũi hơn. Nói một cách công bằng, với một xã có người dân sống ở các thôn không tập trung như Thụy Quỳnh thì điểm bưu điện văn hóa xã này không đem lại nhiều tiện lợi lắm.
Bưu điện văn hóa xã cũng giống như một thư viện nhỏ. Chỉ có điều đầu sách ở đây quá ít. Ngoài một số sách về chính sách pháp luật, một số sách về phổ biến kiến thức về nuôi trồng cho người nông dân, thì còn lại là một số ít sách về một số lĩnh vực khác. Mặc dù bên trong bưu điện có bày một chiếc bàn dài và số ghế ngồi phục vụ cho bà con nông dân đến đọc, nhưng chưa bao giờ tôi thấy có ai đến đây đọc sách cả.
Người nông dân có thể không có nhiều thời gian, với lại những sách nặng về tuyên truyền phổ biến thì chỉ có một số người nào đó mới có đủ thời gian và kiên trì để đọc. Người nông dân quen với làm ruộng, không quen với đọc sách, cũng không có nhiều thời gian để nghiên cứu sách. Liệu đã đã có ai đã từng mượn sách ở đây về đọc chưa?
Không giống như những người trẻ ham tìm hiểu. Những năm đầu tiên khi mới có bưu điện văn hóa xã, tôi thường xuyên mượn sách của Bưu điện văn hóa xã Thụy Trình về đọc. Thực ra được mượn về nhà đọc là do chị gái của thằng bạn cùng lớp làm ở đó. Sau này, khi tôi học đại học xong, những ngày nghỉ hè về quê tôi cũng mượn sách của Điểm bưu điện văn hóa xã Hồng Quỳnh về đọc (vì cũng có bạn quen làm ở đây).
Mỗi xã đều có một điểm bưu điện văn hóa, nhưng tại sao lại không thể mượn sách của điểm bưu điện văn hóa xã Thụy Quỳnh.
 “Bưu điện văn hóa” cũng cần phải có “văn hóa” khi phục vụ nhu cầu của người dân. Không  thể cứ xây dựng lên và đóng cửa để đấy. Sự thuận tiện nhưng cũng cần phải đi đôi với thái độ phục vụ rộng mở chào đón.
Nếu không, bây giờ nhà nào cũng có Ti vi, ai ai cũng có điện thoại, việc gọi điện không cần phải ra Bưu điện nữa, việc nâng cao dân trí, tuyên truyền chính sách pháp luật đã có đài và Ti vi, thì liệu với cái Điểm bưu điện văn hóa luôn luôn đóng cửa này có cần dùng đến nữa hay không?
Đã đến lúc cần phải nhìn lại vai trò của điểm bưu điện văn hóa xã, hoặc là thay đổi mục tiêu của nó hoặc là thay đổi các tiện ích mà nó phục vụ để làm sao người dân vẫn cảm thấy sự tồn tại và lợi ích của nó mang đến. Làm sao để đây vẫn là một điểm “văn hóa” của xã.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét