Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2010

Thơ Thụy Quỳnh, cây non chỉ đợi có mưa xuân

Không thường xuyên ở quê, bận mải với học hành, bù đầu với chuyện làm ăn, chỉ lo cuộc sống với miếng cơm manh áo, thật chẳng phút giây nào tĩnh lặng mà nghĩ về cuộc đời mình, về bản thân và nghĩ về quê hương. Vẫn cứ biết gia đình là tế bào của xã hội, làm giàu kinh tế cho bản thân, cho gia đình vô hình dung cũng là làm giàu cho quê hương đất nước. Cuộc đời một người nghĩ đi thì dài mà nghĩ lại thấy ngắn, trong cái mải mốt của nhân gian, mấy ai  có được cái hứng thú mà thơ với thẩn.
Vậy mà đọc thơ Thụy Quỳnh mới nhận thấy cuộc sống cần có những lúc thảnh thơi, bên chén trà xanh đượm khói, ngâm nga cho nhau nghe mấy câu thơ viết dở, mới thấy được sống thật là quý giá vô cùng. Những người nông dân thuần túy, cứ ngỡ chỉ đầu tắt mặt tối, ấy vậy mà những lúc nông nhàn, buông tay cuốc tay liềm bỗng trở thành nhà thơ tự thủa nào.Cái lạc thú giữa đời thường của những lão nông chi điền như thế thật khiến nhiều người phải ghen tị.
Thơ ta ta viết cho ta
Có sao nói vậy đó là nguồn vui




Phần lớn những tác giả thơ của Thụy Quỳnh là những người cao tuổi, dạn dày những kinh nghiệm của cuộc đời và hơn ai hết giống như gừng càng già càng cay, những ý thơ tưởng chừng như đơn giản đến độ "có sao nói vậy" nhưng lại hàm chứa ý tứ sâu xa muốn gửi gắm cho người đời. Cái quý, cái hay của thơ "cây nhà lá vườn" là ở cái thẳng thật, "có sao nói vậy".
Rác rưởi đổ khắp đó đây
Mấy ông phụ trách việc này nghĩ sao?

Ngòi bút chân thực luôn đi sát với mọi thay đổi của quê hương, từ quá khứ đau thương qua những tháng năm chiến đấu oanh hùng đến thời bình hừng hực khí thế xây dựng cuộc sống mới. Ở bất kỳ những bài thơ nào, cho dù lời thơ còn thô mộc cho đến những ý thơ được trau truốt thì cái mà người đọc dễ dàng nhận ra nhất đó là sự mộc mạc, đơn giản, ý tứ dễ hiểu. Cũng phải, vì đó là thơ của nông dân viết cho nông dân mà.
            Chuột chết dân hết tai ương
Hết quân đục khoét, hết phường gian manh

Nếu như những năm đầu khi mới thành lập Hội thơ, thơ Thụy Quỳnh tập trung ca ngợi lịch sử, truyền thống vẻ vang anh hùng và nét đẹp văn hóa của xóm làng thì nay, khi trưởng thành hơn, bên cạnh những mảng thơ viết về lịch sử ,thơ Thụy Quỳnh đã đang dần đi sâu đi sát vào những vấn đề chướng tai gai mắt, đã thực tế hơn gần gũi thiết thực hơn với đời sống của người dân. Những thi sĩ nông dân với tình yêu quê hương đất nước đã thực sự có trách nhiệm dùng những ý thơ mộc mạc của mình thức tỉnh mọi người trước những vực sâu tiêu cực. Thơ Thụy Quỳnh nói ''xây để chống'' cũng là như vậy !
Đời vui tự biết soi mình
Giữ cho sáng mãi Thụy Quỳnh mai sau
Sống đạo lý giữa muôn màu
Vươn lên trí tuệ làm giàu quê hương
Sống trong lợi lộc coi thường
Đảng viên đi trước mở đường dân theo

Bác Hồ khi bị giam cầm trong nhà tù ở Quảng Tây-Trung Quốc (1942-1943) đã  mở đầu  “nhật ký trong tù”:
“Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây”

Cái ý này thật đúng quá,và nó còn cụ thể hơn khi đọc mấy câu thơ sau:
 Về hưu những lúc thảnh thơi
Băn khoăn nên chọn vui chơi chốn nào

Và trong biết bao cạm bẫy của cuộc đời, cuối cùng cũng chỉ có bạn thơ là người bạn tri âm tri kỷ. 
Phong trào sáng tác thơ của Thụy Quỳnh rất mãnh liệt, bằng chứng là trong 5 năm Hội thơ đã liên tục cho xuất bản 3 tập thơ, đấy là chưa kể những bài thơ chưa được tập hợp lại để in.

Cây non cành lá đang vươn
Vần thơ ta viết tuy còn nôm na
Thơ xây dựng nước non nhà
Thơ mừng thắng lợi quê ta anh hùng
Thơ vườn giữ vững lập trường
Lấy xây để chống mọi đường phân minh

Hy vọng năm 2010 khi tập thơ Thụy Quỳnh III ra đời thì cây non thơ kia sẽ lại trưởng thành hơn nữa. Mùa xuân đang đến gần,mùa xuân sẽ đem đến cho nàng thơ những cảm hứng sáng tạo mới, để cho những thi sĩ quê hương dốc cạn bầu nhiệt huyết viết lên những vần thơ hay ca ngợi và xây dựng quê hương đất nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét