Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2010

Nông thôn Thụy Quỳnh hiện nay


Tôi có thể khẳng định bản thân cũng như rất nhiều bạn đồng hương hiện đang công tác, học tập, lao động ở mọi miền tổ quốc thậm trí ở nước ngoài đều thống nhất với nhau quan điểm rằng: Phải ra sức phấn đấu cho bản thân và gia đình sau đó là quê hương mình từ đó coi như đã góp công sức xây dựng tổ quốc bởi vì mỗi gia đình là một tế bào xã hội.

Đường nông thôn ở quê
Quan điểm nữa của tôi là “qua nửa đời phiêu bạt tôi lại về úp mặt vào sông quê” không biết có giống bạn nào không nhưng theo tôi đó cũng là cái đạo lý của con người Việt Nam yêu quê hương đất nước, hơi cổ hủ lạc hậu nhưng không xấu phải không các bạn. Nếu làm được điều đó, sống ở nông thôn còn dễ chịu hơn cả ở thành phố. Sẽ có một ngày chúng ta làm việc ở thành phố nhưng lại về sống ở nông thôn cũng giống như ở nhiều thành phố lớn, hiện đại trên thế giới…


Đường về quê
Đi xa mới biết làng quê ta vẫn còn nghèo về kinh tế, sản xuất nông nghiệp là chính phương pháp sản xuất thì manh mún nhỏ lẻ, lạc hậu. người dân an phận thủ thường, năm cấy 2 vụ chỉ cần đủ ăn là đã thỏa mãn, nền kinh tế tự cung tự cấp là chủ yếu, nhưng được cái là giá cả mua bán ngoài chợ Hiếu cũng rẻ, phù hợp với thu nhập của bà con, đặc biệt bia hơi nhà Thọ Mến cũng đáp ứng được nhu cầu của mấy anh thanh niên trong làng.Theo điều tra của các cơ quan chuyên môn thì chênh lệch về thu nhập giữa nông dân với các thành phần dân cư khác hiện cách nhau từ 5 – 7 lần, cá biệt có nơi tới hàng chục lần, tất nhiên xã ta cũng nằm trong diện đó. Sự chênh lệch quá xa về kinh tế, đời sống sẽ dẫn đến bất ổn về xã hội, chính trị. Bà con nông dân là tầng lớp xã hội đông nhất, luôn đi đầu trong các cuộc cách mạng, hy sinh cống hiến nhiều cho đất nước, cho chế độ, vấn đề đặt ra cho những người có chức năng, cho thế hệ 8x, 9x… Phải làm thế nào để kinh tế xã nhà tăng trưởng nhanh hơn, thu nhập của người bà con tăng cao hơn? Ðó là những câu hỏi không dễ tìm lời giải đáp, đòi hỏi có sự quan tâm chỉ đạo của đảng nhà nước, các cơ quan đoàn thể, và mỗi chúng ta những người con xa quê hương.


Dòng sông quê hương


Phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hóa, giáo dục, phải giữ gìn được nét đẹp bản sắc văn hóa làng quê mình. Mấy lần về thăm gia đình tôi thực sự cũng hơi choáng khi nghe nhiều tin giật gân, nào là xã ta, thôn ta tệ nạn về tới ngõ rồi, nghiện hút, trộm cắp, mại dâm, rồi HIV….xét cho cùng thì những tệ nạn đó là tệ nạn chung của xã hội của nền kinh tế thị trường  mà các thanh niên trong làng đi ra ngoài mang về, hoặc các thành phần ở nơi khác đến cư trú làm ăn phi pháp thiếu sự quản lý của chính quyền xã. Những vấn đề tiêu cực đó đang hình thành phát triển là mầm mống làm suy thoái đạo đức con người, làm biến chất nền văn hóa nông nghiệp nông thôn xã nhà, làm phai nhạt tình làng nghĩa xóm…vì vậy mỗi chúng ta phải có trách nhiệm ngăn chặn đấu tranh chống lại nhưng tiêu cực đó thế mới là những thanh niên tiên tiến, những thanh niên yêu quê hương đất nước. Bản thân tôi cũng xin mạo muội đưa ra một số ý kiến để các bạn đồng hương tham khảo về biện pháp khắc phục tình trạng trên:
Trước tiên các thành viên của Thuyqunh.com phải có sự đoàn kết  xây dựng một kênh thông tin chính xác và sâu sát triệt để, cập nhật thường xuyên liên tục. Đặc biệt là admin thuyquynh.com đầu tư nhiều thời gian và trí tuệ hơn nữa để xây dựng được sự tín nhiệm của anh em. Phải có mạng lưới thông tin rộng lớn ít nhất sáu thôn mỗi thôn phải có một người chuyên khảo sát nắm bắt thông tin kịp thời. Và kênh thông tin quan trọng nhất là trung tâm đầu não đó là UBND xã, và chợ Hiếu đây là nơi mà các tin tức sự kiện về kinh tế,chính trị,văn hóa,xã hội rất bảo đảm chính xác. Để làm được việc này không ai khác là bạn admin phải là người liên hệ với UBND xã cộng tác làm việc. Tôi nghĩ là được.


Đường rơm ngày mùa


Tôi thấy, mô hình gia đình ở nông thôn hiện nay không hoàn toàn thuần nông như thuở trước. Trong một ngôi nhà có thể có cả trí thức, công nhân, nông dân, cả người về hưu, lẫn người trẻ. Từ những túp nhà mái ngói thôn quê, đã có rất nhiều người con trưởng thành trên con đường tri thức. Họ vươn ra thành thị và đem về quê nhà những tư tưởng và lối sống của một văn hóa khác hẳn. Ðiều đó, dù ít hay nhiều cũng làm cho bức tranh đời sống nông thôn thay đổi. Gia đình tôi là nông dân chính cống nhiều đời và nhiều gia đình cũng như thế. Với những gia đình thuần nông thì người ta cũng tìm mọi cách để thay đổi được cơ cấu lao động trong gia đình mình. Ðiều đó vừa thể hiện một chế độ tốt đẹp, vừa điều phối mối quan hệ xã hội tạo nên những tầng lớp đan xen nhau ngay trong một gia đình. Một gia đình với nhiều giai tầng như thế, thì sự hòa hợp sẽ cao hơn ở một xã hội có nhiều giai cấp. Ðiều quan trọng nhất là phải làm sao giảm được sự chênh lệch giữa nông thôn và thành phố. Thành phố đang ngày một sầm uất hơn thì nông thôn cũng phải chuyển mình. Phải hiện đại hóa, văn minh hóa nông thôn bên cạnh giữ gìn những bản sắc văn hóa truyền thống để khi ấy sống ở nông thôn còn dễ chịu hơn cả thành phố…




Cầu đá Kha Lý
Những thành quả đạt được trong những năm trở lại đây ở xã ta đã và đang “thay da đổi thịt”, khởi sắc từng ngày. Khởi sắc cả về kinh tế, cơ sở hạ tầng và đời sống văn hóa. Thôn nào cũng có truyền hình, phát thanh, hoạt động văn hóa nghệ thuật, điện, đường, trường, trạm… Nhưng bất cập lớn nhất lại là quy hoạch  của chúng ta hiện nay hết sức “cẩu thả”, bao gồm cả cơ sở vật chất, hạ tầng và con người. Quả thực có nhiều cái rất thiếu văn hóa trong cái đã được gọi là “làng văn hóa”. Nhà sau lãnh đủ mùi hôi thối của nhà trước do chuồng trâu, bò, lợn, gà vịt… Hơn nữa “làng văn hóa” nhưng văn hóa truyền thống bị tha hóa, thậm chí biến mất hoàn toàn. Những cái mà chúng ta đang phục dựng lại thì không còn tính chất của văn hóa truyền thống…những vấn đề này cần phải có người đưa ra trong buổi họp đảng bộ xã để tìm cách giải quyết khắc phục.
Vấn đề giải quyết công ăn việc làm của lao động xã nhà là vấn đề nan giải, phải có sự định hướng của các cơ quan chức năng, phải có sự dịch chuyển lao động. Sự dịch chuyển này bằng hai cách. Một là đưa lao động ra khỏi khu vực nông thôn về các khu công nghiệp, đưa đi xuất khẩu lao động, đưa về thành phố. Hai là đưa công nghiệp, dịch vụ về nông thôn, phát triển làng nghề…đây là vấn đề mang tầm chiến lược anh em tham khảo tham khảo.
Phát triển các ngành nghề thủ công tạo công ăn việc làm cho bà con trong thời gian nông nhàn muốn làm được điều đó phải có người đại diện cho bà con đi thực tế học hỏi các làng xã khác, phải có đầu vào đầu ra để kích thích bà con tích cực tăng gia sản xuất….
Trên đây là một số ý kiến đưa ra mong thuyquynh.com tham khảo.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét