Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2010

Trường mầm non chuẩn quốc gia Thụy Quỳnh



Nằm toạ lạc trên khu đất rộng hơn 5.000m2, trường Mầm non Thụy Quỳnh vừa xây mới với tổng kinh phí 3,7 tỷ đồng và hiện được đánh giá là đơn vị có quy mô phòng học đồng bộ, khang trang nhất huyện Thái Thụy. Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất những năm qua, địa phương còn chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thực hiện nghiêm túc chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ và  trường đã vinh dự được nhận danh hiệu “chuẩn Quốc gia”.
Thụy Quỳnh là xã rộng với 7 thôn, dân cư phân tán. Trước đây, trường  Mầm non có 5 điểm, phòng học xuống cấp, thiết bị dạy học nghèo nàn, nhiều giáo viên lớn tuổi không đủ trình độ nuôi dạy, việc đưa đón trẻ đi học gặp nhiều khó khăn, một số phụ huynh không yên tâm nên tỷ lệ huy động các nhóm trẻ vào mẫu giáo, nhà trẻ thấp. Từ thực tế trên, chính quyền địa phương đã tập trung làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục, huy động mọi nguồn lực tập trung cho giáo dục Mầm non. Năm 2004, Thụy Quỳnh đầu tư xây dựng một khu Mầm non gồm 3 phòng học khép kín và một văn phòng trị giá 500 triệu đồng. Còn tại khu trường Mầm non vừa mới khánh thành, 70% vốn ngân sách xã từ nguồn đổi đất lấy công trình, 30% huy động nhân dân đóng góp với 8 phòng học, 6 phòng chức năng hiện đại. Từ 5 điểm học phân tán, nay Thụy Quỳnh đã tập trung thành 2 khu hiện đại nên đáp ứng tối đa nhu cầu nuôi dạy trẻ của nhân dân. Từ năm 2000 đến nay, xã đã vận động, tạo điều kiện cho 15 cô giáo không đủ trình độ nghỉ chế độ, mỗi năm công tác được hưởng thêm 1 tháng lương và tuyển những giáo viên trẻ có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất vào giảng dạy. Hiện tại, 100% giáo viên của trường Mầm non Thụy Quỳnh đều có trình độ đạt chuẩn, 10% trên chuẩn. Huy động tối đa trẻ vào học, ngay từ đầu năm Ban giám hiệu yêu cầu các giáo viên phải điều tra các cháu từ 0 đến 6 tuổi, theo dõi chặt chẽ số lượng biến động hàng tháng và giao kế hoạch số cháu cho từng cô. Tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các kiến thức khoa học nuôi dạy con, kết hợp với các tổ chức đoàn thể, vận động các bậc phụ huynh đưa con em mình đến trường đúng độ tuổi. Nhờ vậy, từ năm 2004 đến nay, tỷ lệ huy động các cháu vào nhà trẻ đều đạt từ 53 đến 72%, 100% các cháu vào mẫu giáo đúng độ tuổi.
Hai mục tiêu quan trọng hiện trường Mầm non Thụy Quỳnh đặt lên hàng đầu là: nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục và không để xảy ra tai nạn thương tích nghiêm trọng, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng cho trẻ. 100% giáo viên được học tập, thực hiện đầy đủ yêu cầu của quy chế nuôi dạy trẻ và phải ký cam kết với nhà trường về bảo đảm an toàn cho trẻ trong trường Mầm non. 100% trẻ được tổ chức cho ăn bán trú nên trường tăng cường kiểm tra đột xuất, giám sát, quản lý chặt chẽ các hoạt động ăn nghỉ. Bếp ăn thoáng mát, sạch sẽ, có hợp đồng mua thực phẩm, tủ lưu thức ăn, góc dinh dưỡng, tiếp phẩm luân phiên theo tuần, giao nhận tay 3 và có đủ 3 chữ ký. Hàng tuần, các cô nuôi xây dựng khẩu phần ăn, phù hợp theo mùa, hạn chế tối đa thực phẩm trùng lặp bảo đảm không để xẩy ra ngộ độc thực phẩm. Nhà trường cũng xây dựng được mô hình VAC, mỗi khu đều có vườn rau của bé, khoán nuôi lợn cho các cô giáo để cung cấp rau sạch, thực phẩm chất lượng cho bếp ăn. Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho 100% cháu 1 năm 2 lần, cân và theo dõi sức khoẻ của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng, thông tin kịp thời tới phụ huynh về kết quả khám sức khoẻ, các cháu bị mắc bệnh, bị suy dinh dưỡng. Kết hợp với trạm y tế xã có thuốc điều trị kịp thời cho các cháu bị bệnh, 100% các cháu suy dinh dưỡng đều có chế độ ăn thêm. Phương pháp nuôi dạy trẻ ở cũng có những bước chuyển biến đáng kể. Trước đây, cô giáo giữ vai trò trung tâm, chủ đạo trong lớp học nhưng nay mọi trọng tâm đều hướng vào trẻ theo phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, tích hợp các nội dung chăm sóc giáo dục trẻ theo chủ điểm. Ngoài những đồ chơi sẵn có, nhà trường phát động các giáo viên tự làm đồ chơi cho bé, tổ chức các cuộc thi đồ dùng đẹp, tiết dạy hay, chấm điểm thi đua ở từng khối lớp…Thông qua các tiết học, các giờ vui chơi, những câu chuyện cổ tích, tranh, ảnh minh hoạ sinh động, đồ chơi… trẻ dần cảm thụ được thế giới xung quanh, phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình. Bên cạnh đó, trường còn lồng ghép các chuyên đề nâng cao chất lượng cho trẻ làm quen với văn học và chữ viết như: thi giáo viên giỏi môn văn học, làm đồ dùng, đồ chơi, xây dựng góc thư viện có nhiều nội dung phong phú; chuyên đề tạo hình, giáo dục lễ giáo, vệ sinh, giáo dục dinh dưỡng và VSATTP; ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy ở một số lớp…. giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần.
Mặc dù được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, chất lượng đội ngũ đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khoẻ và giáo dục trẻ nhưng hiện nay đồ chơi, thiết bị dạy học ở trường Mầm non Thụy Quỳnh còn ít, chủ yếu tận dụng nhưng do vốn xây dựng cơ sở hạ tầng quá lớn nên địa phương chưa có kinh phí để đầu tư. Chế độ chính sách cho các cô giáo Mầm non còn quá thấp. Trường có 29 giáo viên nhưng chỉ có 2 giáo viên trong biên chế, còn lại là hợp đồng được hưởng mức lương từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng/người/tháng nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống. Khó khăn này cũng không phải của riêng trường Mầm non Thụy Quỳnh mà còn ở nhiều trường khác trong tỉnh vì vậy Nhà nước cần có chính sách quan tâm hơn nữa đến đời sống của giáo viên Mầm non, giúp các cô ổn định cuộc sống góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét