Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2010

Tiến sĩ Nguyễn Tất Đại (đỗ tiến sĩ năm 1469) người làng Kha Lý-Thụy Quỳnh là ai?


Trong một bài viết của Tiến sĩ Lưu Minh Trị ở cuốn Danh nhân Hà Nội, Vũ Khiêu (cb) Nhà xuất bản Hà Nội, 2004, trang 336-341 có nhắc đến một trong số những học trò đỗ đạt cao của Trạng lường Lương Thế Vinh là Nguyễn Tất Đại người làng Kha Lý, Thụy Quỳnh, Thái Thụy, Thái Bình đỗ Tiến Sỹ năm Kỷ Sửu 1469 Quang Thuận thứ 10 thời Lê Thánh Tông.
Tiến sĩ Nguyễn Tất Đạt sau khi đỗ tiến sĩ đã làm chức quan gì phục vụ cho triều đình nhà Lê lúc đó. Công lao của Ông với đất nước ra sao? Hiện tại những tư liệu về ông được ghi chép ở đâu? Tại sao trong danh sách những Danh nhân của Thái Bình qua các thời kỳ lại không có tên của Nguyễn Tất Đại?
Những thắc mắc liên quan đến vị Tiến sĩ thời Lê này bà con nào biết xin cung cấp thêm thông tin. Cám ơn.
Danh nhân Thái Bình qua các thời kỳ
Thời kỳ Bắc thuộc và thời kỳ đầu độc lập
Bát nạn tướng quân Vũ Thị Thục Nương (thế kỷ I): quê ở Phong Châu (Vĩnh Phú), về vùng Tiên La (Ðoan Hùng, Hưng Hà) lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Hán, sau là một nữ tướng kiệt xuất của Hai Bà Trưng.
Lý Bí: còn có tên là Lý Bôn, quê ở Long Hưng (Thái Bình ngày nay), người anh hùng dân tộc lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân Lương, sáng lập nên nhà nước Vạn Xuân,  lên ngôi lấy hiệu là Lý Nam Ðế.
Trần Lãm (thế kỷ X): quê ở Kỳ Bá (nay thuộc thành phố), là một trong những sứ quân mạnh nhất thời loạn 12 sứ quân, là người đào tạo và giúp đỡ cơ sở ban đầu cho Ðinh Bộ Lĩnh trở thành người dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
Bùi Quang Dũng (thế kỷ X), một nhà hoạt động chính trị, quân sự nổi tiếng thời Ðinh. Ông có nhiều công lao tổ chức khai phá, mở mang kinh tế vùng Bố Hải khẩu.
Thời Lý
Ðỗ Ðô(1042-?): quê ở Song Lãng, Vũ Thư, một thiền sư nổi tiếng thời Lý.
Tiến sĩ Ðặng Nghiêm(thế kỷ XII): quê ở làng An Ðể – xã Hiệp Hoà – huyện Vũ Thư, là người Thái Bình đầu tiên thi đỗ đại khoa (tiến sĩ) năm 1185.
Thời Trần, Hồ
Trần Thủ Ðộ(1194-1264): quê ở làng Phù Ngự (nay thuộc Liên Hiệp – Hưng Hà), nhà hoạt động chính  trị, có công sáng lập triều Trần.
Trần Thị Dung(?-1259): quê làng Phù Ngự (nay thuộc Liên Hiệp – Hưng Hà), người phụ nữ nổi tiếng, có nhiều công lao trong việc sáng lập và củng cố vương triều nhà Trần, có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Mông, là vợ của Trần Thủ Ðộ.
Tiến sĩ Nguyễn Thành (cuối thế kỷ XIV – đầu XV): quê ở Thăng Long – Ðông Hưng, có công trong kháng chiến chống quân Minh, là Tế tửu Quốc tử giám (hiệu trưởng trường đại học quốc gia đầu tiên của Việt Nam) ở cả hai triều Hồ, Lê.
Phạm Nhữ Dực(thế kỷ XV): còn có tên là Phạm Ðộc Lâm, quê ở An Mỹ – Quỳnh Phụ, nhà thơ cổ nhất của Thái Bình, có hơn 60 bài thơ được chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quí Ðôn.
Thời Lê
Tam nguyên trạng nguyên Phạm Ðôn Lễ (thế kỷ XV): quê làng Hải Triều (nay thuộc xã Tân Lễ, Hưng Hà), đỗ đầu cả 3 kỳ thi hương, hội, đình; làm chánh sứ sang Trung Quốc, học được nghề dệt chiếu về mở mang ở quê, đến nay còn  gìn giữ và phát triển.
Nguyễn Thị Lộ(thế kỷ XV): quê ở làng Hải Hồ (nay thuộc xã Tân Lễ, Hưng Hà), bà cùng chồng là Nguyễn Trãi góp nhiều công lao xây dựng và củng cố vương triều nhà Lê.
Thám hoa Quách Ðình Bảo(thế kỷ XV), quê làng Phúc Khê (nay thuộc Thái Phúc, Thái Thuỵ), tham gia biên soạn bộ Thiên nam dự hạ tập và là người có nhiều đóng góp trong việc cải cách giáo dục, khoa cử, đào tạo nhân tài thời Lê sơ.
Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm(thế kỷ XV), em ruột Quách Ðình Bảo, là người nổi tiếng về tài năng học rộng, đỗ cao, thơ hay, sứ giỏi.
Tiến sĩ Ðoàn Huệ Nhu(thế kỷ XV) quê làng Phù Ngự (nay thuộc Liên Hiệp, Hưng Hà), tham gia Tao Ðàn nhị thập bát tú do vua Lê Thánh Tông sáng lập.
Trạng nguyên Ðỗ Lý Khiêm(thế kỷ XVI) quê làng Ngoại Lãng (nay thuộc Song Lãng, Vũ Thư), làm chánh sứ, trên đường về đã hy sinh tại Bằng Tường (Trung Quốc).
Ðình nguyên Hoàng giáp Bùi Sĩ Tiêm(1690 – 1733) quê làng Kinh Lũ (nay thuộc Ðông Kinh, Ðông Hưng), làm quan có khí phách cứng cỏi, nhiều lần dâng sớ can ngăn vua chúa.
Tiến sĩ Nguyễn Tông Quai(1693 – 1767) quê làng Sâm (nay thuộc Hoà Tiến, Hưng Hà), một học quan có tiết tháo, nhà thơ tài ba.
Tiến sĩ Phạm Công Thế(1702 – ?) quê làng Hoàng Xá (nay thuộc Ðông Phương, Ðông Hưng), làm quan Ðông các hiệu thư, liên kết với các sĩ phu giúp cuộc khởi nghĩa Lê Duy Mật, việc bại lộ, ngang nhiên chịu chém và bị đục tên khỏi bia tiến sĩ.
Tiến sĩ Ðoàn Nguyễn Thục (1718 – 1775) quê làng Hải An (nay thuộc Quỳnh Nguyên, Quỳnh Phụ), nhà ngoại giao, nhà thơ lớn (thân phụ Ðoàn Nguyễn Tuấn).
Tam nguyên bảng nhãn Lê Quý Ðôn(1726 – 1784) quê làng Diên Hà (nay thuộc xã Ðộc Lập, Hưng Hà), nhà bác học lớn nhất Việt Nam thời phong kiến.
Cử nhân Ðoàn Nguyễn Tuấn(thế kỷ XVIII) quê làng Hải An (nay thuộc Quỳnh Nguyên, Quỳnh Phụ), trọng thần thời Tây Sơn, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà thơ nổi tiếng.
Tiến sĩ Uông Sĩ Ðiển, còn có tên là Uông Sĩ Lãng (1733 – ?) quê làng Vũ Nghị (nay thuộc xã Thái Hưng, Thái Thuỵ), nhà sử học nổi tiếng.
Hoàng Công Chất (thế kỷ XVIII) quê làng Hoàng Xã (nay thuộc Nguyên Xá, Vũ Thư), lãnh tụ nông dân khởi nghĩa chống triều đình Lê-Trịnh lớn vào bậc nhất thế kỷ XVIII.
Thời Nguyễn
Cử nhân Doãn Uẩn tức Doãn Ôn(1795 – 1849) quê làng Ngoại Lãng (nay là Song Lãng, Vũ Thư), nhà hoạt động xã hội,, nhà quân sự, nhà thơ.
Tiến sĩ Phạm Thế Hiển(1803 – 1861) quê Luyến Khuyết (nay thuộc Thuỵ Phong, Thái Thuỵ) là người Thái Bình đầu tiên trong triều đình Huế kiên trì chủ chiến, tử thủ giữ thành Gia Ðịnh và hy sinh anh dũng.
Phan Bá Vành(thế kỷ XIX) quê làng Minh Giám (nay thuộc Vũ Bình, Kiến Xương), lãnh tụ nông dân khởi khởi nghĩa chống triều đình phong kiến.
Tiến sĩ Doãn Khuê(1813 – 1882) quê làng Ngoại Lãng (nay thuộc Song Lãng, Vũ Thư), nhà giáo yêu nước, có nhiều đóng góp trong buổi đầu chống Pháp.
Nguyễn Mậu Kiến(1819 – 1879) quê Ðộng Trung (nay thuộc Vũ Trung, Kiến Xương), nhà văn thân yêu nước nổi tiếng ở Bắc Kỳ.
Ðình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích(1832 – 1890) quê Trình Phố (nay là xã An Ninh, Tiền Hải), nhà thơ, nhà văn thân yêu nước chống Pháp.
Cử nhân Bùi Viện(1839 – 1878) quê Trình Phố (nay là xã An Ninh, Tiền Hải), người Việt Nam đầu tiên mở đường ngoại giao sang Mỹ, nhà cải cách xã hội.
Cử nhân Nguyễn Doãn Cử(1821 – 1890) quê Dũng Nghĩa (nay thuộc xã Duy Nhất, Vũ Thư), nhà giáo giàu tài năng và uy tín, nhà thơ.
Cử nhân Phạm Huy Quang(1846 – 1888) quê Phù Lưu (nay thuộc xã Ðông Sơn, Ðông Hưng), một sĩ phu yêu nước chống Pháp.
Tạ Hiện(? – 1887) quê Quang Lang (nay thuộc xã Thuỵ Hải, Thái Thuỵ), một võ tướng giàu mưu lược, là thủ lĩnh vũ trang Cần Vương kháng Pháp.
Nguyễn Hữu Bản(1814 – 1883) quê Ðộng Trung (nay thuộc xã Vũ Trung, Kiến Xương), con trai nhà văn thân yêu nước Nguyễn Mậu Kiến, đã hy sinh trong trận chiến đấu giữ thành Nam Ðịnh năm 1883.
Cử nhân Nguyên Thành Thà(? – 1895) quê xã Thăng Long (Ðông Hưng), một võ sư, cha con, ông cháu kế tiếp nhau duy trì vũ trang kháng Pháp ở miền Ðịnh, Tu (Nam Ðịnh – Thái Bình – Hưng Yên).
Ðốc Ðen tức Bùi Như Quảng, quê làng Yên Lũ (nay thuộc xã Ðông Quang, Ðông Hưng), một trong những thủ lĩnh kiệt xuất trong phong trào vũ trang Cần Vương chống Pháp ở Thái Bình nửa cuối thế kỷ XIX.
Phó bảng Trần Xuân Sắc(1848 – 1919) quê làng Ðông Thành (nay thuộc xã Nam Hải, Tiền Hải), nhà yêu nước, nhà giáo, đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò yêu nước.
Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm(1875 – 1929) quê làng Ngọc Ðình (nay thuộc xã Văn Cẩm, Hưng Hà), nhà yêu nước, nhà thơ, người Việt Nam đầu tiên đậu bằng tú tài khoa học ở Angiêri.
Cử nhân Phạm Tư Trực (1869 – 1921) quê làng Hoàng Xá (nay thuộc xã Nguyễn Xá, Vũ Thư), nhà yêu nước, nhà giáo, nhà thơ.
Ðinh nguyên Hoàng giáp Ðào Nguyên Phổ (1860 – ?) quê Thượng Phúc (nay thuộc Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ), nhà sử học, nhà hoạt động chính trị có danh tiếng trong phong trào Ðông Kinh nghĩa thục.
Ngô Quang Ðoan(1872 – 1945) quê Trình Phố (nay là xã An Ninh, Tiền Hải), con cả danh nhân Nguyễn Quang Bích, một trong những yếu nhân của phong trào yêu nước ở Bắc kỳ.
Thời kỳ thành lập Đảng cộng sản Việt Nam
Nguyễn Công Thu(1894 – 1976) quê xã Vũ Trung, Kiến Xương (cháu nội danh nhân Nguyễn Mậu Kiến), một trong những người đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào những năm 1925 – 1926, có nhiều đóng góp đưa đón thanh niên yêu nước sang Quảng Châu du học và hình thành tổ chức cộng sản ở Hà Nội.
Nguyễn Danh Ðới (1905 – 1943) người xã Vũ Trung (cháu 4 đời danh nhân Nguyễn Mậu Kiến), bí thư kỳ bộ thanh niên đầu tiên ở Bắc Kỳ, tham gia sáng lập Ðảng cộng sản Ðông Dương.
Nguyễn Ðức Cảnh (1908 – 1932) quê Diêm Ðiền, Thái Thuỵ, tham gia sáng lập Ðảng cộng sản Ðông Dương, sáng lập Công hội đỏ (tiền thân của Tổng Liên doàn lao động Việt Nam).
Vũ Trọng, quê làng Trình Phố (nay thuộc xã An Ninh, Tiền Hải), là bí thư một trong hai chi bộ cộng sản đầu tiên ở Thái Bình.
Nguyễn Văn Năng (1902 – 1964) quê làng Thượng Phú (nay thuộc xã Ðông Phong, Ðông Hưng), bí thư tỉnh bộ đầu tiên của Thái Bình.
(Theo thaibinh.edu.vn)
Tham khảo thêm bài viết về Lương Thế Vinh
Trạng nguyên Lương Thế Vinh, tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, sinh ngày 1 tháng 8 năm Tân Dậu (1441) trong một gia đình nông dân có học ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Thời niên thiếu, Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là thần đồng, thông minh, nhanh trí. Chuyện kể rằng Lương Thế Vinh học rất mau thuộc, mau hiểu mà chơi cũng rất tài tình (thích thả diều, câu cá, bẫy chim cùng các bạn trẻ chăn trâu). Lớn lên, Lương Thế Vinh càng học giỏi, học có phương pháp, kết hợp học với lao động, vui chơi giải trí. Khác với những người “dùi mài kinh sử”, học như con vẹt, chỉ thuộc nhiều “thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi”, không cần hiểu không cần sáng tạo, Lương Thế Vinh học đến đâu đều có đào sâu hiểu rộng. Khi học thì chuyên tâm, khi thả diều thổi sáo, xem chèo thì thoải mái. Trong khi vui chơi thả diều, Lương Thế Vinh rung dây diều để tính toán ước lượng chiều dài, chiều cao; khi câu cá, Lương Thế Vinh tìm hiểu đời sống của sinh vật, ước tính đo lường chiều sâu ao hồ, chiều rộng sông ngòi… và kiểm tra lại bằng thực nghiệm. Lương Thế Vinh đã nghĩ ra cách đo bóng cây và chiều dài của cây.
Chưa đầy hai mươi tuổi, tài học của Lương Thế Vinh đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam. Năm 23 tuổi, đời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ tư (1463), Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên khoa Quý Mùi (theo Đại Việt sử ký toàn thư khoa thi có tới 4.400 cử nhân dự và chọn được 44 tiến sĩ, Lương Thế Vinh đỗ đầu). Vua Lê Thánh Tông phấn khởi trước thắng lợi của khoa thi khi mình mới lên ngôi, đã đặc ân ban một lá cờ khoa, tự tay đề ba vị khoa khôi thành một bài thơ:
Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh
Thám hoa Quách Đình Bảo
Thiên hạ cộng tri danh.
“Thiên hạ cộng tri danh” nghĩa là mọi người trong thiên hạ đều biết tên. Từ đó, danh tiếng của trạng nguyên Lương Thế Vinh vang lừng khắp nước.
Cuộc đời 32 năm làm quan, Lương Thế Vinh đều ở Viện hàn lâm, trải thăng đến chức Hàn lâm Thị thư chưởng Hàn lâm viện sự, đứng đầu Viện hàn lâm. Ông có biệt tài về ngoại giao, được nhà vua tin yêu, giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài. Nhiều bài biểu do Lương Thế Vinh soạn gửi cho vua Minh để giải quyết mối quan hệ giữa hai nước, đều được vua Minh chấp thuận. Vua Minh phải khen là “nước Nam có lắm người tài”.
Trạng nguyên Lương Thế Vinh còn dạy học ở Quốc tử giám, Sùng văn quán và Tú lâm cục là những trường cao cấp thời bấy giờ đào tạo nhân tài cho đất nước về văn chương và toán học. Học trò của ông có nhiều người đỗ đạt cao như Nguyễn Tất Đại (người làng Kha Lý, xã Thụy Quỳnh, Thái Thụy, Thái Bình), đỗ tiến sĩ năm 1469; Trần Bích Hoành (người làng Vân Cát, xã An Thái, nay là Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định) đỗ thám hoa năm 1487; Trần Xuân Vinh (người làng Bảo Ngũ nay là phố Năng Tĩnh, thành phố Nam Định) đỗ tiến sĩ; và Lương Đắc Bằng (làng Hội Triều, nay thuộc Hoằng Phong, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), đỗ bảng nhãn năm 1499, Lương Đắc Bằng lúc 12 tuổi đã học Lương Thế Vinh, được thầy truyền thụ về toán học, sau này là thầy học của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Lương Thế Vinh không những dạy toán học ở Tú lâm cục, ông còn giữ chức Cấp sự trung khoa công, chuyên khảo sát việc tạo tác các công trình như cung điện, đền đài, thành quách, đường sá, đê điều… cần đến toán học. Lương Thế Vinh đã biên soạn cuốn Đại thành toán pháp để tiện dùng, đó là cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên ở nước ta. Trong cuốn sách, ông đã tổng kết những kiến thức toán thời đó và cả những phát minh của ông. Mở đầu cuốn sách, Lương Thế Vinh đề bài thơ khuyên mọi người học toán:
Trước thời biết cách thương lường
Tính toán bình nhân ở cửu chương
Thông hay mọi nhẽ điều vinh hiển
Học lấy cho tinh giúp thánh vương!
Trong sách dạy các kiến thức về số học, phương pháp đo lường bóng (phương pháp đồng dạng), hệ số đo lường, cách cân, đo, đong, đếm, định vị, đơn vị, tiền vải…, dạy toán đạc điền…
Ở mỗi phần, mỗi phương pháp, ông còn có bài thơ Nôm cho người ta dễ nhớ. Ví dụ dạy cách tính diện tích hình thang, ông viết:
Tam giác bị cụt đầu
Diện tích tính làm sao
Cạnh trên cạnh dưới cộng vào
Đem nhân với nửa bề cao khắc thành!
Điều đáng chú ý là cuốn sách soạn từ thế kỷ XV, mà mãi đến thế kỷ XIX nó vẫn được dùng làm sách giáo khoa để dạy toán trong các trường học.
Thời Lương Thế Vinh, các công cụ tính toán thật là thô sơ nghèo nàn. Ở Việt Nam lúc đó công cụ tính toán chủ yếu vẫn là hai bàn tay bằng cách “bấm đốt ngón tay”. Khi đó người ta còn dùng một sợi dây với những nút thắt làm công cụ đếm (thắt nút, cởi nút)…
Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, Lương Thế Vinh sáng chế ra một công cụ tính toán lợi hơn. Cuối cùng ông đã sáng chế ra bàn tính gẩy - chiếc bàn tính đầu tiên của Việt Nam. Lúc đầu ông nặn những hòn bi bằng đất có khoan lỗ ở giữa, xâu vào một cái đũi, các xâu buộc cạnh nhau thành một bàn tính ông cải tiến dần những “viên tính” bằng đất thành những đốt trúc ngắn, rồi những viên tính bằng gỗ sơn màu khác nhau để dễ tính, dễ nhớ.
Lương Thế Vinh am hiểu sâu sắc về âm nhạc và hát chèo. Vốn là người thích xem chèo, nên dường như không một tối diễn chèo nào ở kinh đô lại vắng mặt ông. Cũng vì Lương Thế Vinh gần gũi nhiều phường chèo, biết nhiều tích, nhiều vai, nên Lương Thế Vinh thấy được chỗ yếu, chỗ mạnh của từng phường. Ông đã cùng Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận soạn hai bộ Đồng văn và Nhã nhạc dùng trong quốc lễ và triều hội. Ông nghiên cứu hàng trăm phường chèo, biên soạn cuốn Hý phường phả lục ghi lại các khoán ước của phường chèo, kịch bản và diễn xuất, cách đánh trống chèo, phương pháp múa và hát..Năm 1501, năm năm sau khi ông mất, bạn ông là tiến sĩ Quách Hữu Nghiêm (người Thái Bình) đã đề tựa và đưa in tác phẩm trên. Lịch sử Việt Nam - tập 1, xuất bản năm 1971 đã ghi nhận: “Cuốn Hý phường phả lục của Lương Thế Vinh xuất bản năm 1501 có thể coi đó là tác phẩm lý luận đầu tiên về nghệ thuật kịch hát cổ truyền. Tác giả đã tổng kết kinh nghiệm và nêu lên những nguyên tắc có tính chất lý luận về nghệ thuật biểu diễn, diễn viên, múa hát và đánh trống”.
Về văn thơ, Lương Thế Vinh cũng có nhiều đóng góp. Ông giữ chức Sái phu trong hội thơ Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông, là người chuyên phê bình, sửa chữa thơ trong hội, nhiều lần đã ngâm họa với vua Lê như bài Tướng sĩ nhớ nhà và bài Động Lục Vân. Ông còn cùng với Đỗ Nhuận, Thân Nhân Trung, Đào Cử… soạn nhiều bài ký, văn bia ở Văn Miếu, ở chùa Diên Hựu (Một Cột). Ông để lại hai bài phú ca ngợi cuộc sống thanh cao, không màng danh hoa phú quý. Văn thơ của Lương Thế Vinh, nhìn chung thể hiện sâu sắc tư tưởng yêu nước, thương dân, căm ghét bọn quan lại tham nhũng, thích cuộc sống thanh cao, gần gũi với dân quê…
Lương Thế Vinh là người trọng thực học, thích mở mang kinh tế. Ông đã dạy dân làng Hương làm nghề thuốc bắc, thuốc nam chữa bệnh cứu người, khuyến khích mở nhiều chợ búa để dân mua bán, trao đổi hàng hóa. Ông thích mở mang dân trí xuống tận dân thôn, giáo dục con người cả tài cả đức. Trong bài văn sách thi Đình, vua hỏi về “Đạo trị nước của bậc đế vương”, Lương Thế Vinh viết:
“Việc giáo dục làm tốt thì phong tục đẹp, có tôn sư trọng đạo mới có nhiều người tài giỏi. Giáo chức có quan hệ lớn như vậy đó. Nhưng việc giáo dục hiện chỉ chú ý đến văn chương, cái đáng lo là chưa dạy đức hạnh.”
Yêu nước, thương dân, ông luôn muốn cho đất nước thanh bình, dân ấm no, triều đình và dân cùng lo việc nước. Với suy nghĩ như vậy, nên đoạn văn sách thi Đình nổi tiếng đó, Lương Thế Vinh khuyên nhà vua ra sức kén chọn người hiền tài, đặt quan chức để “vì dân mà làm việc”, khuyên nhà vua và triều đình phải “đồng tâm nhất thể”. Ông viết:
“Vua tự sửa mình, bầy tôi tự sửa mình thì chính sự sẽ được tốt đẹp, lê dân đều có đức thì chính được lòng người, trừ được tệ xấu”.
Cuối đời trạng nguyên Lương Thế Vinh về trí sĩ tại quê nhà. Ông về hưu thực ra không phải vì ốm yếu, mà ông muốn rảnh rỗi trở về sống yên tĩnh ở quê hương, làm thêm việc gì có ích trước khi xuôi tay, nhắm mắt. Ý đã quyết, Lương Thế Vinh không nghe theo lời nài ép của vua và cũng không nhận quà của vua ban để giữ lòng cho sạch. Sống ở quê hương, ngày ngày ông thả diều, đọc sách, vui chơi với các bô lão nông thôn. Ông đi sâu nghiên cứu về đạo Phật, đã chú giải nhiều kinh Phật và đề tựa cho in nhiều tác phẩm Phật học như Nam tông tự pháp đồ và Thiền môn giáo khoa của nhà sư Thường Chiếu thời Lý.
Nhân dân Cao Hương yêu mến Lương Thế Vinh. Nhưng yêu hơn vẫn là đám học trò đã và đang học Lương Thế Vinh. Cứ đến mùa sen nở, ông lại một lần tiễn học trò mình đi thi. Học trò Sơn Nam đến theo học ông ngày càng đông và không ít người đã thành đạt.
Rút từ bài học bản thân mình, Lương Thế Vinh rèn cho học trò một cách học thông minh. Khi học ra học, khi chơi ra chơi, không học ngày học đêm theo cách sôi kinh nấu sử.
Tuổi ngày càng cao, nhưng cũng như thú vui thả diều, hàng ngày Lương Thế Vinh thường la cà quán nước, nhất là quán cây đa cổ thụ có bóng râm mát cả một vùng rộng ở làng bên. Ở nơi đây ông có thể nghe được nhiều điều hay dở để răn dạy học trò, răn dạy người đời và cũng để sửa mình nữa. Ông rất yêu con trẻ, thường bày cho chúng những trò chơi vui nhộn và bổ ích. Thấy trẻ rất thích nặn con rối, ông đã nghĩ ra cách chơi rối nước. Trò chơi này thật vui, thật hấp dẫn. Người các nơi tìm đến học để phổ biến ở quê mình. Từ đó múa rối nước trở thành một loại nghệ thuật sân khấu đặc sắc trong nhân dân, truyền mãi đến ngày nay.
Trạng nguyên Lương Thế Vinh mất tại quê nhà ngày 26 tháng 8 năm Bính Thìn (1496), thọ 55 tuổi.
Nghe tin Lương Thế Vinh qua đời, vua Lê Thánh Tông đã khóc và làm thơ Nôm điếu ông, trong đó có hai câu kết:
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm trạng nước Nam ta.
Nhà bác học Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) đã hết lời ca ngợi Lương Thế Vinh, đánh giá ông là con người có tài kinh bang tế thế, một con người “tài hoa danh vọng vượt bậc”.
Những đánh giá trên, thiết nghĩ là khá đầy đủ và đúng nhất về trạng nguyên Lương Thế Vinh.
Hình ảnh trạng nguyên Lương Thế Vinh còn sống mãi trong tâm thức mọi người bằng truyền thuyết và giai thoại về cuộc đời, sự nghiệp, tài đức và lòng yêu nước, yêu dân của ông.
Nhân dân làng Cao Hương đã quý mến giữ gìn phần mộ của ông tại khu Mả Trạng. Đền thờ trạng nguyên Lương Thế Vinh được xây dựng trên nền nhà cũ tại Giáp Nhất, làng Cao Hương.

TS. Lưu Minh Trị
Danh nhân Hà Nội, Vũ Khiêu (cb), Nxb Hà Nội, 2004, Tr336-341
Tham khảo thêm

1 nhận xét:

ngocsac nói...

Phản hồi của bạn Phan Văn Chương:
Đọc bài viết của bạn tôi rất tự hào, tuy nhiên bản thân cũng là một người làm công tác khoa học tôi thấy nổi lên 2 vấn đề sau:
Thứ nhất : Nếu đúng là Nguyễn Tất Đại người làng Kha Lý, Thụy Quỳnh, Thái Thụy, Thái Bình đỗ Tiến Sỹ năm Kỷ Sửu 1469 Quang Thuận thứ 10 thời Lê Thánh Tông mà công trạng cũng như người Thụy Quỳnh chưa được biết thì tôi nghĩ đó là trách nhiệm của Hội sử học Việt Nam, chứ chúng ta không có thẩm quyền và chuyên môn để giải quyết. Nếu cần biết rõ hơn nữa thì chủ tịch UBND xã cần có văn bản chính thức gửi Hội sử học Việt Nam để yêu cầu làm rõ vấn đề này, từ đó suy tôn công trạng chính thức của Ông.
Thứ hai: Tôi chưa đọc cuốn sách đó, vậy thì có phải cuốN sách đó được viết bằng tiếng Việt hay Hán- Trung, nếu viết bằng Hán – Trung thì tôi e rằng người dịch đã có sự dich nhầm, vì thời Lê, Phủ Thái Bình không như bây giờ (diện tích đất và con người). Nếu chắc chắn rằng TS Đại là người TQ thì chúng ta cần phải làm rõ .
Tôi được biết Thụy quỳnh có nhiều tiến sĩ, trong đó có TS.Phan Quang Văn- bái kiện,Đại học Mỏ địa chất ( bảo vệ TS loại giỏi tại CHLB Đức), GS.TS Vũ Văn VỤ, Đông Đoài – trưởng khoa sinh- ĐHQG HN, PGS.TS VỸ, Thọ cách- nguyên viện trưởng viện triết học…như vậy đó cũng là niềm tự hào cho quê ta.
thuyquynh.com trả lời:
“Tôi chưa đọc cuốn sách đó, vậy thì có phải cuốn sách đó được viết bằng tiếng Việt hay Hán- Trung, nếu viết bằng Hán – Trung thì tôi e rằng người dịch đã có sự dich nhầm, vì thời Lê, Phủ Thái Bình không như bây giờ (diện tích đất và con người). Nếu chắc chắn rằng TS Đại là người Thụy Quỳnh thì chúng ta cần phải làm rõ”
Bản thân người nêu câu hỏi này cũng chưa thực mục sở thị qua bài viết trong cuốn Danh nhân Hà Nội, Vũ Khiêu (cb), Nxb Hà Nội, 2004, Tr336-341. Nhưng trên mạng, có một số Website khi giới thiệu về danh nhân Lương Thế Vinh đã trích dẫn bài viết này. Điển hình là trang Thăng Long-Hà Nội-Ngàn năm văn hiến của Ban chỉ đạo quốc gia 1000 năm Thăng Long. Trang Web này chắc chắn là có “bảo hành” về thông tin trích đăng chứ?! Link bài viết:
http://www.thanglonghanoi.gov.vn/channel/67/2009/09/3054/
Còn vấn đề “làm rõ” thân thế của Tiến sĩ Đại tôi nghĩ bạn Chương nói đúng: “chủ tịch UBND xã cần có văn bản chính thức gửi Hội sử học Việt Nam để yêu cầu làm rõ vấn đề này, từ đó suy tôn công trạng chính thức của Ông.”.

Đăng nhận xét