Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2010

Làm gì để thực hiện nếp sống văn hoá trong xây cất mồ mả


Đã thành thông lệ, cứ vào dịp cuối năm thì trên khắp các nghĩa trang trong tỉnh lại nhộn nhịp với việc cải táng, xây cất mồ mả và đi kèm theo đó là những hệ lụy không lường hết được. Việc thực hiện nếp sống văn hoá được quy định khá cụ thể trong Quyết định 02/2009/QĐ-UB của UBND tỉnh, nhưng nhiều nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm túc.
Một điều dễ nhận thấy là công tác quản lý nghĩa trang ở một số địa phương chưa thật chặt chẽ, do đó vật liệu xây dựng đổ ngổn ngang khắp các nẻo đường, mạnh ai nấy xây. Gia đình dòng họ nào có điều kiện thì xây những “ngôi nhà” cho ông bà cha mẹ nguy nga lộng lẫy, tốn vài chục triệu đến trăm triệu đồng, nhà nghèo cảnh khó đến mấy nhưng việc hiếu là không tiếc tiền bạc.


Chính vì mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nên “Thành phố nghĩa địa” có muôn hình vạn trạng kiểu dáng. Nhiều nghĩa trang chưa quy hoạch chặt chẽ thì có cảnh ngôi mộ này xây quá cao, ngôi mộ khác lại quá thấp, chen chúc ngược xuôi. Con cháu đặt mộ cha ông theo hướng của người sống, nên ngôi thì đặt hướng Nam có ngôi thì chếch Bắc, không theo hàng theo lối nên cứ ngôi thò ngôi thụt thật thiếu mỹ quan, tốn diện tích. Đó là việc xây cất, còn việc cát táng thì thật đáng lo ngại về vấn đề vệ sinh môi trường. Người Việt Nam ta có phong tục cải táng người đã khuất sau từ 3 hay 5 năm trở đi, công việc ấy phải được thực hiện vào dịp cuối năm. Đành là việc nghĩa, nhưng những gia chủ thực hiện công việc này chỉ nghĩ cho được việc nhà mình thôi, còn lại vấn đề môi trường hay cảnh quan thì không hề quan tâm thực hiện. Sau mỗi ngôi mộ được cát táng là để lại trên nền nghĩa trang đủ thứ của người đã khuất, nào quần áo, nào đồ dùng sinh hoạt cá nhân, mà dù có chôn cất đến hàng chục năm cũng không thể tiêu hủy nổi. Ngay cả những tấm áo quan được lôi lên khỏi mặt đất, vất ngổn ngang, vất lên cả các ngôi mộ khác. Quang cảnh sau mỗi cuộc cải táng đều bừa bãi như chiến trường, mọi thứ vất vương vãi, cộng thêm những đống lửa đốt lấy ánh sáng và lấy hơi ấm trong đêm cũng thành những đám tro tàn khói lạnh… Việc cát táng là phong tục của mỗi dân tộc người Việt Nam, đây là việc làm mang tính tâm linh, nhưng để đảm bảo cho việc xây cất mồ mả việc cải táng được thực hiện một cách quy củ, có văn hoá đảm bảo vệ sinh môi trường giữ được cảnh quan cho mỗi nghĩa trang, nên chăng các Ban quản trang cần có một quy định cụ thể cho công việc này. Mỗi hộ gia đình có nhu cầu xây cất mồ mả hay cải táng phải đăng ký với Ban quản trang, phải nộp lệ phí thu dọn các đồ cúng tế cho người đã khuất hoặc cam kết làm tốt vệ sinh môi trường, có như thế mỗi nghĩa trang mới giữ được sự trang nghiêm sạch sẽ.
Trong tâm thức của mỗi người đến nghiã trang đều mong muốn sự êm ả, sạch sẽ, chứ không phải đến nơi lạnh lẽo hoang tàn, vì thế mỗi chúng ta và các ban quản trang cùng đồng tâm nói tiếng nói của những con người có văn hoá cần chung tay làm tốt công tác vệ sinh môi trường  trong xây cất mồ mả, để  mỗi lần đến thắp nén hương thơm cho người đã khuất đều tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn, sự thư thái trong môi trường phong quang sạch sẽ, để hướng tới cuộc sống tươi đẹp. UBND tỉnh đã có Quyết định 02/2009/QĐ-UB ngày 08 tháng 3 năm 2009, ban hành về việc thực hiện nếp sống văn hoá trên địa bàn tỉnh Thái Bình, thay thế Quyết định 2080/2001/QĐ-UB. Thiết nghĩ, từng địa phương cần thực hiện nghiêm túc Quyết định của tỉnh, có quy định cụ thể về việc xây mồ mả, đặc biệt là các thôn làng cần đưa vào quy ước, hương ước, coi đây là tiêu chí bình xét thi đua giữa các thôn làng, như vậy mới khắc phục được những tồn tại kể trên./.
Hồng Tươi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét