Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2010

Truyền thuyết trên quê hương Thụy Quỳnh



Thời Trưng Nữ Vương ở làng Đại Bại phủ Thiên Trường tỉnh Nam Định, có một người dòng dõi họ Đoàn tên là Thiệu Công làm đến chức quan huyện kết duyên cùng với một người con gái họ Trần tên là Loan. Hai người sống với nhau rất hạnh phúc.
Vào một buổi chiều mùa hè, bà Loan ra bãi sông cạnh nhà tắm, bỗng một cơn giông tố ập đến, mặt sông nổi sóng, có một con giao long xuất hiện vây quanh bụng bà một lúc rồi biến mất. Bà Loan hết sức kinh hoàng, liền về nhà thuật lại chuyện ở sông cho chồng nghe. Nghe xong, ông Đoàn nói đó là điềm phúc, Trời đã ban cho đất nước một vị thủy thần để cứu dân giúp nước.
Từ đó, bụng bà Loan mỗi ngày một to, mang bầu được ba trăm ba chục ngày thì sinh ra một cái bọc, trong bọc có năm trứng. Hai vợ chồng vô cùng kinh sợ, liền lập đàn bên bãi sông cúng tế. Cúng xong, năm trứng bỗng nở thành năm người con, một chị gái và bốn người em trai.
Năm chị em khi sinh ra, dung mạo phi phàm khác người, ông bà Đoàn liền đặt tên cho các con của mình lần lượt là: Hiển Phi, Chàng Rồng, Kiên Cố. Đông Hải và người con trai út là Nam Hải.
Hai ông bà gửi các con theo học ở nhà một ông thầy chuyên dậy các quan tên là Trần Đức.Năm chị em vốn thông minh, nên học một biết mười, không những học cá văn mà còn học cả võ. Theo học được 5 năm thì văn võ kiêm toàn, không những có thể thông thạo thiên văn địa lý, mà còn có thể hô mưa gọi gió, trừ được ma quỷ giúp dân làng.
Vào một ngày mùa đông, cơn gió bấc lạnh ập đến, nơi quê nhà song thân phụ mẫu đều qua đời. Năm chị em đành bỏ học về quê chịu tang cha mẹ. Khi xong việc hiếu, năm chị em cũng quyết định xếp lại bút nghiên, lên đường tìm đến một vùng đất mới.
Đi qua nhiều nơi, cuối cùng khi đến chùa Quỳnh Lâm thuộc Quỳnh Lý tổng An Bái huyện Thụy Anh (Nay là Thụy Quỳnh Thái Thụy)thấy phong cảnh ở đây đẹp đẽ hữu tình, có cánh đồng bát ngát, có dòng sông trong xanh hiền hòa thì liền dừng chân tại đây. Sáng hôm sau, năm chị em sửa lễ vào chùa Quỳnh Lâm để cầu xin cho dân làng được mùa màng bội thu, cuộc sông no đủ. Đêm đó, trong giấc mơ, năm chị em thấy ở phía trời Tây Nam có một vị nữ tướng tài ba đang chỉ huy binh lính anh dũng chống lại quân giặc trên dòng Hát Giang.
 Khi bừng tỉnh, nhận ra việc phải làm, năm chị em vốn giỏi cả cung kiếm nên chiêu mộ thanh niên trai tráng trong vùng, rèn luyện võ nghệ quyết chiến đấu với quân giặc Tô Định để bảo vệ nước nhà. Thanh niên trong vùng tình nguyện đến có đến hàng ngàn người, trong đó làng Vân Am có 15, Thọ Cách 22, Quỳnh Lý 30 và Kha Lý cả binh lẫn sĩ là 10 người.
Năm chị em tự xưng là “đại vương”, dưới trướng có đến ngàn binh lính. Hưởng ứng lời kêu gọi người hiền tài cùng ra tay hợp sức giết giặc của Hai Bà Trưng, năm chị em lệnh cho quân lính giết trâu bò làm lễ yết kiến hai Bà và quyết tâm phò tá triều Trưng giết giặc.
Đạo quân hùng mạnh của Hai Bà Trưng đánh đâu thắng đó, tiếng tăm lẫy lừng. Sau khi dẹp tan giặc Tô Định, đất nước trở lại thanh bình, năm chị em lại trở về chốn quê cũ Quỳnh Lâm. Khi đó, triều đình theo lệnh của Hai Bà Trưng cho quân lập tức điều tra và biết được gốc gác của năm vị tướng tài này liền sắc phong cho 5 chị lần lượt là: Đông Hải Hiển Phi Đại Vương, Chàng Rồng Tề Quốc Đại Vương, Kiên Cố Trợ Quốc Đại Vương, Nam Hải Tá Quốc Đại Vương và Đông Hải Đại Vương. Dân làng Thụy Quỳnh có một ngày vui mở đại tiệc liên hoan đón nhận sắc phong và vàng do triều đình ban tặng.
Ngày đó, bên bến sông Hóa, nơi bến đò Thọ Cách có một cây cổ thụ, dưới gốc cây có cái hang, có con trăn gió khổng lồ thường xuyên xuất hiện bắt người ăn thịt. Dân làng không trừ giết được nó, cầu cúng đến cả Ngọc Hoàng cũng không được, cuối cùng phải làm tấu trình lên triều đình xin viện trợ. Triều đình liền lệnh cho năm chị em nhà họ Đoàn, chiêu mộ thêm 20 binh lính nữa ra quân giệt mãng xà.
Chị cả Hiển Phi dắt lên thân mình tua tủa những cái liềm cái hái, rồi xông vào hang cho mãng xà nuốt trôi vào bụng. Mãng xà bị những luỡi liềm lưỡi hái cứa đứt ruột rồi chết. Theo lênh, con mãng xà được cắt ra làm ba rồi chôn ngoài bãi sông. Người dân từ đó cuộc sống yên bình trở lại.
Vào một hôm, nhằm ngày mùng 6 tháng 4, năm chị em cùng quân lính đang diễu binh dọc theo bờ biển Thái Bình, thì bất ngờ sóng to gió lớn ập đến đưa đoàn quân về Trời.

Đình Thọ Cách
Dân làng để tưởng nhớ đến công lao và ân đức của năm chị em vị tướng tài, xin tấu nhà vua được dựng miếu phụng thờ. Làng Thọ Cách thờ Kiên Cố Đại Vương, làng Vân thờ Chàng Rồng Đại Vương, Quỳnh Lý thờ Nam Hải Đại Vương, còn Kha Lý thờ hai vị là Đông Hải Hiển Phi Đại Vương và Đông Hải Đại Vương.
Ngày nay, ở làng Kha Lý, phía sau chợ Hiếu có một  ngôi từ khang trang chính là nơi thờ Đông Hải Đại Vương. Ngôi từ này còn được gọi là “từ Ông”.”Từ Bà” là nơi thờ Đông Hải Hiển phi Đại Vương (chỗ nhà Ông Nguyễn Văn Dấp bây giờ) nhưng bây giờ không còn nữa do bị bom đạn của chiến tranh tàn phá. Hàng năm vào ngày mười rằm tháng 8 âm lịch, dân làng Kha Lý lại tổ chức lễ dâng hương tế thần.
Ngày 01/08 âm lịch năm nay (2009) một niềm vinh hạnh lớn với người dân Kha Lý-Thụy Quỳnh là ngôi từ Ông đã được UBND tỉnh Thái Bình cấp bằng di tích lịch sử văn hóa. Theo ban tổ chức Lễ đón nhận bằng di tích, thì ngày 01/08 âl sắp tới đây sẽ làm lễ rước bằng từ UBND đi một vòng quanh làng rồi mới về từ.
Đất Kha lý vốn là vùng đất địa linh nhân kiệt, qua sự đổi thay của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh (chủ yếu là thời chống Pháp) nhiều di tích lịch sử văn hóa đã không còn tồn tại. Cùng với “Từ Bà” còn có Đình Kha Lý đã đã bị chiến tranh tàn phá đến chỉ còn một vài dấu vết, nhưng mảnh đất ấy vẫn có những linh thiêng không thể phủ nhận.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét