Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2010

Cổng làng Quỳnh Lý gợi lại một nét quê xưa

Từ năm 2004 khi quy ước làng văn hóa được đưa về quê và các làng bắt đầu từ Thọ Cách cam kết thực hiện làng văn hóa thì lúc đó người ta mới khẩn trương cho xây dựng “cổng chào văn hóa” ở đầu những con đường chính dẫn vào trung tâm của mỗi làng.



Những cổng chào được làm đơn giản  bởi những thanh sắt được hàn lại với nhau thành khung, phía trên có khi khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Quả thực những năm đầu tiên đó, cổng chào văn hóa đã gần như mang ý nghĩa của một chiếc cổng làng, chúng đã góp phần làm cho bộ mặt địa phương đẹp đẽ lên nhiều mỗi khi du khách bước chân vào mỗi làng quê Thụy Quỳnh.



Sau đó không lâu, vào năm 2006 Quỳnh Lý là làng đầu tiên xây dựng được cổng làng khang trang đẹp đẽ theo đúng kiến trúc tam quan cổ xưa.Cổng không cánh nhưng với ý nghĩa “nửa kín nửa mở” cổng vừa khẳng định được vị thế của làng Quỳnh Lý trong cộng đồng các làng xung quanh và cũng là lời chào đón cởi mở chân thành nhất cho du khách hay những người con xa quê mới khi trở về quê mẹ.
Cổng làng Quỳnh Lý do hội đồng niên Canh Tý (1960) công đức và được nhân dân trong làng chung sức xây dựng. Cổng được khởi công ngày 9/3/2006 và khánh thành vào ngày 30/04/2006.



Theo thời gian, những chiếc cổng chào được làm nhanh chóng tạm bợ cho kịp với phong trào xây dựng đời sống văn hóa đến nay cũng đã mất đi vẻ đẹp và sự thiêng liêng vốn có ban đầu.
Với mỗi làng quê ở vùng châu thổ Bắc bộ hình ảnh mái đình cây đa, lũy tre xanh cùng với chiếc cổng làng luôn là hình ảnh tiêu biểu nhất cho văn hóa làng quê. Không thể nói hết ý nghĩa sâu xa của chiếc cổng làng, nhưng rõ ràng với những ai sinh ra từ làng mỗi khi đi xa về sẽ cảm thấy ấm lòng vô cùng khi bước chân qua chiếc cổng làng về với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình.



Ngày nay ở quê người ta thi nhau làm nhà mái bằng hoặc nhà tầng thay cho nhà mái ngói. Những bức tường gạch thay thế hoàn toàn những lũy tre xanh và những con đường gạch rêu phong xưa đã được người dân bê tông hóa. Người ta đang ra sức hiện đại hóa nông thôn, ra sức công nghiệp hóa nông thôn, và rồi những chiếc cổng làng ngày xưa ơi, không biết đến bao giờ mới hồi sinh trở lại.
Nhiều người vẫn luôn mơ ước “bao giờ cho đến ngày xưa”.Có thể lắm trong thời gian không lâu nữa mọi người sẽ tự nhận ra cái giá trị đích thực của cổng làng và chính mọi người lại sẽ phải ra sức khôi phục lại nét văn hóa cổ xưa của những làng quê vốn yên bình vùng châu thổ Bắc bộ.



Người ta có thể hiện đại hóa nông thôn, công nghiệp hóa nông thôn nhưng không thể “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” nét văn hóa truyền thống của làng quê Bắc bộ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét